Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô cần cân nhắc để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và DN cũng như Nhà nước. Vì thế nên giữ nguyên, hoặc giảm ở mức thấp, bởi từ nay đến năm 2018 chúng ta phải giảm thuế ôtô theo cam kết với ASEAN.
Ảnh minh họa.
Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, Luật thuế mới được sửa đổi bổ sung nên việc sửa này cần cân nhắc vì không những ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội mà còn ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại.
Đồng quan điểm cân nhắc sửa đổi, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận định rằng, việc sửa đổi liên tục sẽ làm cho chính sách không ổn định, làm ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Theo bà Thủy, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô cần cân nhắc để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và DN cũng như Nhà nước. Vì thế nên giữ nguyên, hoặc giảm ở mức thấp, bởi từ nay đến năm 2018 chúng ta phải giảm thuế ôtô theo cam kết với ASEAN.
Ngành sản xuất ôtô trong nước chi phí đang cao hơn 20% so với các nước trong khu vực nên nếu giảm thuế sẽ không thể hỗ trợ DN trước sức ép cạnh tranh. Không cẩn thận DN ôtô nước ngoài sẽ được lợi kép tư việc giảm thuế.
“Thu ngân sách cũng sẽ bị bất lợi vì dòng xe nhỏ được giảm trong khi dòng xe này chiếm hơn 70% thị phần, xe được nhập ồ ạt gây áp lực lên hạ tầng giao thông và việc làm của người lao động. Việc ban hành chính sách cần hài hòa đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Khi thị trường ôtô chưa đủ lớn thì Nhà nước phải hỗ trợ cho họ, có như vậy mới thúc đẩy được ngành ôtô Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt”- bà Thủy lo ngại.
Cùng chung quan điểm, ĐB Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cũng bày tỏ băn khoăn bởi việc giảm thuế đối với ôtô sẽ khuyến khích tiêu dùng trong khi hạ tầng đô thị không đảm bảo.
Các ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), và Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cũng đề nghị cần cân nhắc thêm tác động của việc giảm thuế đối với ôtô đến cân đối ngân sách bởi sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu, hơn nữa hạ tầng giao thông sẽ bị tác động thế nào khi giảm thuế cho dòng xe phổ thông vừa tiền, và có dẫn đến tình trạng bùng nổ số lượng ôtô.
Về ý kiến xóa nợ cho DN nhà nước khi cổ phần hóa, nhiều ĐB không đồng tình vì rằng không thể lời thì DN hưởng mà lỗ thì Nhà nước chịu. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) không đồng tình với việc xoá các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là DNNN thuộc danh sách cổ phần hóa, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như trong Dự thảo Luật quy định.
Bởi theo ông Vở, quy định xóa tiền nợ thuế đối với trường hợp DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
“Cần xem xét cụ thể từng trường hợp, không nên quy định trong luật hay nghị quyết thành một chính sách thường xuyên, phổ biến. Không thể chấp nhận việc lợi thì DN hưởng mà lỗ thì bắt Nhà nước chịu cũng tức là dân chịu”- ông Vở nói.