UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND cùng cấp đề nghị cho phép chi hơn 1.800 tỷ đồng để giải quyết ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Trong đó, ngoài các mục tiêu thiết thực là giải quyết các “điểm đen” về ùn tắc và tai nạn giao thông, còn có nội dung chỉnh trang đồng bộ các tuyến phố của 12 quận.
Nếu như không phải đang trong tình hình Covid-19 căng thẳng, cần dồn mọi nguồn lực chống dịch; nếu không có nội dung chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến phố tại 12 quận thì đề xuất trên là bình thường, không có gì để “bàn ra, tán vào”. Song, trong bối cảnh Hà Nội đang tăng nhanh số ca mắc Covid-19, việc tiêu tiền cần phải hết sức cân nhắc.
UBND TP Hà Nội cho rằng, cần tới hơn 1.800 tỷ đồng để quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông. Bao gồm các hạng mục: Chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông; đầu tư, lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ...
Dĩ nhiên, với việc lắp thêm (hoặc thay thế cái đã hỏng) đèn tín hiệu giao thông là cần thiết để đảm bảo điều tiết an toàn giao thông (ATGT). Thiết kế thêm các cầu sắt lắp ghép cũng là bức thiết để tạo lối thoát, tránh ùn ứ cục bộ trên các tuyến phố. Song, nội dung chỉnh trang đường phố tại 12 quận có vẻ như rất mơ hồ, không thiết thực, chẳng liên quan gì nhiều đến ATGT.
Dư luận có quyền nghi ngờ, bởi Hà Nội từng đổ hàng nhiều tiền để “chỉnh trang” các tuyến phố bằng việc cậy gạch lát vỉa hè đang còn tốt lên để lát đá “có tuổi thọ 70 năm”. Theo quan điểm của một số lãnh đạo Hà Nội, lát đá vừa đẹp, vừa bền. Song, thực tế nhiều tuyến phố vừa lát xong đá đã vỡ, không “thọ” tới 70 năm như lãnh đạo Hà Nội nói.
Đẹp thì ai chẳng muốn, dù là bộ mặt công cộng hay công trình tư nhân. Song, đẹp phải trong điều kiện nào, hoàn cảnh ra sao, nhất là cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc kỹ việc “làm đẹp” có làm bội chi ngân sách, có đảm bảo được an sinh xã hội hay không? Nếu cứ tiêu “tẹt ga”, đến khi “có chuyện” lại không biết cân đối kinh phí từ nguồn nào.
Dư luận quan tâm cũng là mong muốn lãnh đạo Hà Nội quan tâm xem xét, cân nhắc trước khi quyết định tiêu pha hàng nghìn tỷ đồng ngân sách vào những việc chưa quá bức bách. Giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông không phụ thuộc vào việc chi bao nhiêu tiền để cậy gạch lên lát đá, mà phụ thuộc vào việc chính quyền các cấp của Hà Nội có đủ dũng khí dẹp hẳn vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hay không. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu là dũng khí thì có thừa, nhưng không dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là việc không dễ vì nó liên quan rất nhiều vấn đề.
Hay như việc lãnh đạo Hà Nội qua các thời kỳ đã cho phép mọc lên rất nhiều nhà cao tầng “chọc trời” trong các quận nội thành khiến tăng dân số cơ học cũng chính là nguyên nhân hạ tầng giao thông quá tải. Thay vì chi hàng nghìn tỷ đồng để “chỉnh trang” các tuyến phố, hãy cấm xây nhà cao tầng, di dời các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp... ra khỏi nội đô.
Vậy nên, dư luận xã hội hy vọng HĐND TP Hà Nội cân nhắc kỹ trước khi “gật đầu” thông qua nghị quyết cho phép UBND cùng cấp tiêu hơn 1.800 tỷ đồng vào những việc chưa thực sự cấp bách lúc này. Số tiền đó hãy dành để chống dịch, hoặc đầu tư các công trình phúc lợi công cộng như bệnh viện, trường học. Đừng lãng phí ngân sách vào những việc không thiết thực nữa!