Sau khi trải qua kỳ thi căng thẳng vào lớp 10, học sinh và phụ huynh lại bắt đầu với một bài toán mới, đó là chọn tổ hợp nào trong số những lựa chọn nhà trường đưa ra?
Năm học 2024 - 2025 là năm thứ ba học sinh (HS) lớp 10 học chương trình GDPT 2018. Ngoài các môn học bắt buộc, các em được tự chọn một tổ hợp môn do nhà trường xây dựng. Tuy nhiên, việc HS lựa chọn như thế nào để phù hợp với khả năng, sở thích và định hướng nghề nghiệp sau này khiến nhiều HS lúng túng.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng, tâm lý phân vân, lúng túng của phụ huynh là dễ hiểu. Ở cấp THCS, không nhiều HS có định hướng về ngành, nghề. Phụ huynh và HS chỉ tập trung vào mục tiêu cao nhất là thi đỗ lớp 10. Chưa kể, chương trình GDPT 2018 mới triển khai được 2 năm, định hướng thi tốt nghiệp THPT 2025 cũng mới được Bộ GDĐT công bố cuối năm ngoái. Ngoài ra, các nhà trường cũng truyền thông chưa đồng đều. Thế nên, khi nhập học, phụ huynh và HS mới lần đầu biết đến các tổ hợp sẽ bối rối khi lựa chọn.
Vì vậy, HS cần cân nhắc kỹ về tổ hợp lựa chọn để không bị giới hạn khi xét tuyển đại học sau này. Chẳng hạn, với những HS dự định xét tuyển đại học bằng khối D01 là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, một số em có tư tưởng chọn tổ hợp gồm Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, Âm nhạc/Mỹ thuật để học nhẹ nhàng. Tuy nhiên, một số giáo viên cho rằng, nếu các em chọn tổ hợp có môn Lý hoặc Hóa thì sau này sẽ có thêm nhiều lựa chọn với các tổ hợp Toán, Hóa, Anh hoặc Toán, Lý, Anh để vào đại học.
Bên cạnh đó, 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương được nhiều người quan niệm là môn chính, trong khi các môn tự chọn là môn phụ. Điều này không đúng vì theo quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, tất cả các môn đều được tính điểm như nhau, không phân biệt môn chính, môn phụ. HS muốn được xếp học lực Giỏi phải đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ phải đạt từ 8,0 trở lên.
Mặc dù theo hướng dẫn của Bộ, nếu HS có nhu cầu, trường vẫn cho các em đổi tổ hợp nhưng sẽ là vào cuối năm học. Việc này có những rủi ro nhất định do các em học môn đó chậm hơn các bạn khác, áp lực cũng tăng lên nên cần cân nhắc nguyện vọng xét tuyển đại học ngay từ khi vào lớp 10 để không mắc sai lầm trong lựa chọn tổ hợp theo học suốt 3 năm cấp 3.
Một lưu ý với HS và gia đình đó là, phương án thi tốt nghiệp chỉ có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng 2 môn tự chọn từ năm 2025. Dù Bộ GDĐT cho biết, HS có thể chỉ cần học môn đó trong năm lớp 12 là có thể đăng ký thi môn tự chọn này, nhưng trong một cuộc đua mang tính cạnh tranh lớn, việc khởi động muộn hơn các thí sinh khác 2 năm rõ ràng là một bất lợi cho các em.
Tuy nhiên, việc các trường đại học chưa công bố phương án xét tuyển vào đại học từ năm 2025 trở đi đang gây lúng túng cho các thí sinh trong việc lựa chọn tổ hợp. Do thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều trường đại học cho biết sẽ phải tính toán lại về tổ hợp xét tuyển, bởi số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm. Vì vậy, mong muốn của thí sinh và gia đình đó là các trường đại học sớm có nghiên cứu và công bố đề án tuyển sinh để căn cứ vào đó, HS lựa chọn môn học tự chọn sát nhất với định hướng sau này.