Theo tính toán, nếu thực hiện thu phí theo mức 1.000 đồng/km/xe thì dự kiến mỗi năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng.
Xung quanh việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT cần cân nhắc, tính toán hợp lý, bởi hiện nay, người tham gia giao thông đã phải nộp phí bảo trì đường bộ, nếu thêm một loại phí cho việc sử dụng công trình đầu tư từ ngân sách sẽ khó nhận được sự đồng tình.
Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Bộ GTVT cho hay, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác dài 668.750 km. Trong đó, đường cao tốc có 16 tuyến dài 968,7km. Theo quy hoạch phát triển đến 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt thì mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài hơn 6.400km. Như vậy tỷ lệ tuyến cao tốc hiện có so với quy hoạch mới đạt 15%.
Hiện nay, suất đầu tư đường cao tốc 4 làn khoảng 130 tỷ đồng/km, 6 làn khoảng 190 tỷ đồng/km. Chi phí bảo trì đường cao tốc khoảng 830 triệu đồng/km, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.
Theo nhu cầu đầu tư đường cao tốc đến 2020 cần hơn 342 nghìn tỷ đồng, đến 2030 cần hơn 599 nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế, do đó cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội. Việc thu phí là một trong những giải pháp giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường cao tốc.
Với những băn khoăn về khoản phí thu để làm gì, quản lý cho rằng: ngân sách nhà nước đã đầu tư hệ thống quốc lộ, người dân đi không mất phí. Khi các tuyến cao tốc đầu tư song hành với quốc lộ, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn. Nhà nước thu phí cũng là để quay lại tái đầu tư, làm thêm những con đường mới, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên về vấn đề này có điểm cộng và điểm trừ. Chính vì vậy cần phải có kế hoạch, đánh giá và cân đo đong đếm kỹ để tính phương án tối ưu nhất. Về điểm trừ, đúng là hiện nay người dân đang đóng thuế vào ngân sách nhà nước. Tiền ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có đường cao tốc thì không có lý do gì người dân không được sử dụng. Còn về điểm cộng, hiện nay ngân sách đang rất khó khăn, việc đóng tiền để được sử dụng dịch vụ tốt hơn là điều cần thiết.
Theo nhìn nhận của chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, giữa hai điểm tích cực và tiêu cực thì chúng ta cần chọn điểm nào vượt trội hơn. Nếu đóng tiền mà người dân thật sự được sử dụng dịch vụ tốt hơn thì chúng ta cũng nên ủng hộ.