Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết; ông Lê Quân, Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết đồng chủ trì hội thảo.
Ngày 14/9/2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, ngày 28/10/2011, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW (Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW).
Thời gian qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, trong đó với các đặc điểm và tiềm năng của vùng, Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW đã đề ra các yêu cầu về phát triển văn hóa, xã hội, môi trường cho toàn vùng.
Cụ thể là: nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tăng trưởng kinh tế đi liền với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nhanh tỷ lệ nghèo, bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn; tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao cho vùng và cả nước, trong đó tập trung sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng mới một số trường đại học cho chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế; phát triển mạnh khoa học-công nghệ, xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ sinh học; đẩy mạnh xã hội hóa y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao; xây dựng một số trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực đủ điều kiện để cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao phục vụ nhân dân, gắn phát triển dịch vụ y tế với du lịch khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng cho du khách quốc tế; bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh đạt cấp độ bình quân của khu vực.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Tuấn Anh đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, đại diện lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học tập trung thảo luận vào một số nội dung chính:
Đánh giá, làm rõ những thành tựu, kết quả đạt được cũng như chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển; làm sâu sắc hơn được tiềm năng, lợi thế các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường của toàn vùng và từng địa phương, vùng.
Đánh giá toàn diện các kết quả, thuận lợi và khó khăn về việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách mang tính toàn vùng, nhất là vấn đề liên kết để tối ưu hóa nguồn lực phát triển, việc thu hút nguồn lực xã hội - xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên - môi trường và nguồn nhân lực tại các địa phương và vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất được những nhiệm vụ, giải pháp mới nhất là ban hành, cơ chế, chính sách, bổ sung nguồn lực mới đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng cho từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực…
Đánh giá toàn diện các kết quả, thuận lợi và khó khăn về việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm phát triển văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực tại các địa phương và vùng thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất được những nhiệm vụ, giải pháp mới nhất là ban hành, cơ chế, chính sách, bổ sung nguồn lực mới đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng cho từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục –đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực.
Tập trung làm rõ các vấn đề đặt ra nhằm phát triển từng địa phương, vùng cho từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục –đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực, nhất là các mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong khai thác, quản lý, sử dụng các tài nguyên khoáng sản, du lịch, văn hóa và các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực nhằm thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo….Từ đó, đề xuất Ban Chỉ đạo tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tích hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phân tán, nhỏ lẻ trong từng lĩnh vực, của từng địa phương để phục vụ lợi ích chung của toàn vùng với từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực.
Làm rõ hơn về xu hướng tất yếu và lợi ích của các địa phương khi tăng cường liên kết vùng về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh tình hình mới; các phương thức, biện pháp để tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển các lĩnh vực này … từ đó, tham mưu cho các Bộ ngành và cấp ủy các địa phương tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và hành động về liên kết vùng trong từng lĩnh vực để huy động tối đa các nguồn lực phân tán, nhỏ lẻ của từng lĩnh vực, từng địa phương tạo thành sức mạnh tổng hợp cho vùng.
"Phân tích, đánh giá các tác động của bối cảnh, tình hình mới tác động đến từng lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học- công nghệ, tài nguyên- môi trường và nguồn nhân lực của vùng và từng địa phương trong vùng, đặc biệt là tác động của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với quá trình chuyển đổi số… đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước ta trong đó có vùng đồng bằng sông Hồng. Các yếu tố này vừa là thách thức nhưng cũng vừa là thời cơ cho đất nước ta nói chung và vùng chúng ta nói riêng để tạo đột phá cho phát triển nhanh, bền vững.", ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Đặc biệt, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường, cùng với việc nắm rõ bối cảnh tình hình mới, phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, tồn tại và cùng đề xuất các quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, KHCN, môi trường vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.