Ngày 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Đồng tình với quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn đủ ít nhất 3 năm công tác, trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị nói rõ trường hợp không đủ 3 năm công tác là bao nhiêu năm? Bởi phải có thời gian tối thiểu chứ không lẽ vừa phong hàm Thiếu tướng thì nghỉ hưu. Do đó cần quy định cụ thể, đầy đủ từng tiêu chí, điều kiện ngay trong dự thảo; đồng thời cũng cần quy định điều kiện cần và đủ tiêu chuẩn cụ thể, như thế nào gọi là xuất sắc để tránh lạm dụng.
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng thống nhất bổ sung 6 vị trí cấp tướng trong dự thảo luật gồm: 1 cấp Thượng tướng và 5 cấp Thiếu tướng phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu mới của Bộ Công an. Tuy nhiên ông Hòa đề nghị Ban soạn thảo giải trình bổ sung thêm có nằm trong số tổng hàm tướng mà cấp thẩm quyền cho phép hay không? Cụ thể, bổ sung quy định hàm Thượng tướng cho chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nếu là Thứ trưởng Bộ Công an biệt phái làm nhiệm vụ; bổ sung 5 vị trí có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng gồm: các chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Hiệu trưởng trường Đại học An ninh nhân dân, trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an, và 2 Giám đốc công an các địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 trong địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Cùng quan điểm, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, khả thi của quy định, có thể quy định không đủ 3 năm nhưng phải còn tối thiểu bao nhiêu tháng.
Theo ĐBQH Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn), một sĩ quan khi đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu và lập được chiến công thì sự uy tín, ngưỡng mộ, trân trọng với sĩ quan Công an nhân dân được ghi nhận một cách tự nhiên. Khi đó, nếu đủ điều kiện phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó được ghi nhận một cách xứng đáng. Trong điều kiện hiện tại, chính sách này thực sự có ý nghĩa.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đồng ý việc bổ sung hàm tướng đối với một số vị trí trong lực lượng Công an nhân dân cho đủ số lượng mà ngành công an đã được phép bố trí. Tuy nhiên, việc bố trí bổ sung cấp tướng lần này chủ yếu tập trung ở cấp trên là cấp trung ương là chủ yếu, mà chưa quan tâm đến cấp địa phương, cơ sở. Bà Bé cho rằng, hiện nay chỉ có 11 địa phương có cấp hàm tướng ở những địa phương địa giới hành chính loại 1, còn những địa phương trọng yếu về an ninh, quốc phòng như khu vực vừa là biển đảo, biên giới, vừa có tình hình an ninh chính trị phức tạp mà ở vị trí không phải là loại 1 thì chưa được bố trí cấp tướng.
“Hiện nay một số tổng cục sau khi sáp nhập thì cấp tướng ở vị trí này không còn. Do đó đề nghị Bộ Công an nên xem xét, bố trí những vị trí cấp hàm tướng này ở cơ sở, quan tâm đến các vị trí “tiền tiêu” - bà Bé bày tỏ và cho rằng luật không nên đóng khung con số là 11 hàm tướng ở cơ sở, vì việc bố trí vị trí tướng ở cấp tỉnh là để động viên, khích lệ tinh thần cống hiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ ở cơ sở, nhất là ở những địa phương trọng yếu.
Bà Bé cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Công an quan tâm và đề nghị Quốc hội xem xét đối với một số địa phương đặc biệt trọng yếu về an ninh, quốc phòng, nên bố trí cấp hàm tướng lãnh đạo để phù hợp trong công tác cả đối ngoại và đối nội.
Tổng hợp, tiếp thu để báo cáo cấp có thẩm quyền
Giải trình, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, qua thảo luận tại tổ và hội trường, các ĐBQH đã phát biểu một số vấn đề cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Trong đó, một số đại biểu có ý kiến về quy định Chủ tịch nước quyết định thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với trường hợp không đủ 3 năm công tác; Ý kiến đề nghị bổ sung các quy định cụ thể mang tính nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc được thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước niên hạn ngay trong luật hoặc là giao cho Chính phủ quy định; Ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấp bậc hàm Đại tá đối với một số đơn vị thuộc Công an Hà Nội, Công an TPHCM đối với cấp Trung đoàn trưởng. Các ý kiến phát biểu sẽ được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan chức năng Quốc hội tổng hợp, tiếp thu, giải trình để báo cáo cấp có thẩm quyền.