Đó là vấn đề được GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ ra khi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch, diễn ra ngày 22/2.
Liên quan đến độ “vênh” nhất định giữa dự thảo Luật Quy hoạch với Luật Đất đai hiện hành, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định cụ thể hơn về quá trình thực hiện tích hợp các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, vào phương án quy hoạch tích hợp thống nhất. Trình tự, thủ tục của quá trình tích hợp phải được quy định rõ ràng, mô tả đầy đủ công việc của các cơ quan quản lý ngành, trong đó có cơ quan quản lý đất đai. Mặt khác, khung pháp luật về quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013 cũng cần được điều chỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
“Lĩnh vực quy hoạch cần có một luật khung”- TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định. Và ông cho rằng, khi quy hoạch được vận dụng trong công tác quản lý Nhà nước thì được gọi là “quy hoạch công” hoặc đơn giản là “quy hoạch” và cần được điều chỉnh bằng luật pháp. Luật Quy hoạch được dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu này. Khi nhiều ngành hẹp có liên quan mật thiết với nhau và hình thành hệ thống ngành rộng thì chúng cần được lập quy hoạch phát triển chung một cách đồng bộ để phát huy hiệu quả tối đa trong cùng một quy hoạch, gọi là “quy hoạch tích hợp”. TS. Liêm cũng thẳng thắn cho rằng, việc dự thảo Luật xóa bỏ hàng loạt quy hoạch sản phẩm là đúng đắn, cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, Luật sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường. Luật Quy hoạch khi được ban hành không lấy đi nhiệm vụ chức năng của ai và không ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của các Bộ, ngành. Một trong những điểm mới quan trọng nhất của dự thảo Luật là đặt tính thống nhất trong quản lý Nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia lên hàng đầu.