Ngày 19/7, trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết về một số vấn đề cử tri quan tâm và kỳ vọng vào Quốc hội khóa mới, cho thấy trách nhiệm đang đè nặng lên vai các đại biểu dân cử ngay trong kỳ họp thứ nhất này.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha.
PV: Thưa Phó Chủ tịch, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trong bối cảnh chúng ta vừa hoàn thành xong đợt bầu cử nhưng đồng thời cũng có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh đang cần sự vào cuộc chung tay của các cấp các ngành như ô nhiễm môi trường biển, thực phẩm bẩn tràn lan… Vậy qua việc tổng hợp ý kiến cử tri của Mặt trận gửi đến Quốc hội, ông thấy những vấn đề gì cử tri quan tâm và kỳ vọng?
Ông Nguyễn Văn Pha: Trong kỳ họp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có trách nhiệm báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử, từ khi bắt đầu triển khai cho đến kết thúc ngày bầu cử. Đến giờ này cơ bản các nội dung của bản báo cáo đã có sự góp ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều vị ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước trong cuộc bầu cử rất phong phú và đa dạng, trong đó rất nhiều ý kiến mong muốn các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn nữa để xứng đáng là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; các vấn đề về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, phòng, chống tham nhũng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được số đông cử tri và nhân dân quan tâm.
Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử, cử tri mong muốn qua việc kiểm điểm, đánh giá kết quả nhiệm kỳ qua Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương cần rút ra những bài học kinh nghiệm cả nhiệm kỳ, nhất là những mặt tồn tại, yếu kém, để từ đó Quốc hội khóa mới, Chính phủ khóa mới, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương ngay lập tức phải bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Có vẻ như cử tri kỳ vọng rất nhiều vào Quốc hội khóa mới, trách nhiệm đang đè nặng lên các đại biểu dân cử ngay trong kỳ họp thứ nhất này?
- Đúng như vậy, cử tri mong muốn về phía Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật cần quan tâm đầu tư hơn nữa về mặt chất lượng, nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng pháp luật. Hoạt động giám sát của Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là cần làm tốt khâu hậu giám sát để giám sát của Quốc hội thực sự là giám sát tối cao.
Với Chính phủ, cử tri đặc biệt quan tâm đến công tác điều hành, vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, vấn đề này Chính phủ đang rất quyết liệt, cử tri rất hoan nghênh, mong muốn việc đó chuyển động được từ người đứng đầu Chính phủ cho đến các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh, các huyện, các xã.
Hệ thống hành chính nhà nước làm sao phải được cải cách triệt để theo hướng tinh gọn, thực sự phục vụ nhân dân; mọi rào cản bất hợp lý cả về thể chế, cả về quản lý, điều hành cần được kiên quyết xóa bỏ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Về Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp khác, cử tri cũng bày tỏ mong muốn trong nhiệm kỳ mới cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ và quyền hạn của mình, bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế tối đa oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự.
Theo ông, trong những vấn đề nổi cộm, cử tri đặc biệt quan tâm đến những vấn đề cụ thể, sát sườn nào?
- Đó là những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Cử tri hết sức bất bình về vụ Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc hại gây chết thủy sản hàng loạt ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Tuy vụ việc này sau bầu cử mới xử lý nhưng thực ra trong quá trình bầu cử đã xảy ra gây nhiều lo lắng, bức xúc cho nhân dân.
Khi Chính phủ tổ chức công bố công khai nguyên nhân thì người dân rất đồng tình nhưng mong muốn phải xử lý nghiêm vụ việc và kiến nghị chính quyền các cấp không đánh đổi mọi giá để phát triển kinh tế mà phải phát triển kinh tế phải bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
Thời gian qua công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn có xu hướng gia tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cộng đồng hiện tại cũng như lâu dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan nhà nước tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm. Làm thế nào nâng cao công tác tuyên truyền để người dân có ý thức trong sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, đồng thời giáo dục đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm cũng như tăng cường hoạt động quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương.
Nguyện vọng của người dân suy cho cùng chính là việc làm thế nào để đảm bảo cuộc sống, đảm bảo sự bình yên cuộc sống, thưa ông?
- Đúng như vậy. Trong thời gian qua, bên cạnh những vấn đề nổi cộm của xã hội, cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như việc tổ chức tập trận trên Biển Đông, tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Trước sự bất bình này, cử tri bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia, vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
- Ngoài ra còn những vấn đề khác đề khác mà cử tri quan tâm đó là việc thanh niên nông thôn, sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Bên cạnh đó là những lo lắng thường trực như tai nạn giao thông tuy các tiêu chí có giảm nhưng những vụ tai nạn nghiêm trọng lại xảy ra nhiều; tình trạng đuối nước xảy ra nhiều nơi gây nên rất nhiều cái chết thương tâm cho các em nhỏ.
Tất cả những vấn đề đó cử tri và nhân dân quan tâm và mong muốn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp hết sức quan tâm và có giải pháp căn cơ, đồng bộ và đặc biệt xác định ngoài việc cố gắng các bộ ngành chức năng thì chính quyền các cấp cũng phải có sự chuyển động vào cuộc thực sự. Phải có sự vào cuộc một cách đồng bộ, có trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương, cơ sở thì những bức xúc của cử tri mới hy vọng giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Vừa qua Hội đồng bầu cử Quốc gia đã xóa tên 2 người vừa được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 14 đó là ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Là người Mặt trận và tham gia vào quá trình hiệp thương, cá nhân ông có suy nghĩ gì về sự việc này?
- Có thể nói việc 2 người vừa được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV vừa bị Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên là sự kiện rất đáng tiếc. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh do Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang hiệp thương giới thiệu. Trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hiệp thương giới thiệu.
Qua theo dõi việc này tôi thấy trong quá trình tổ chức hiệp thương, Mặt trận đã làm đúng các quy định của pháp luật về bầu cử. Hồ sơ ứng cử của những người thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở trung ương do Hội đồng bầu cử Quốc gia tiếp nhận và chuyển cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Hồ sơ của những người ứng cử ở địa phương do Ủy ban bầu cử tỉnh tiếp nhận và chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Vấn đề này được quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Cho đến thời điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử, hồ sơ của hai người này đều đảm bảo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt, ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi làm việc của cả hai người đều đạt 100%. Với những dữ kiện như vậy và trong quá trình tổ chức hiệp thương, Mặt trận không nhận được bất cứ thông tin nào khác về vi phạm pháp luật của người ứng cử thì việc đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử là điều đương nhiên.
Còn bây giờ, sau bầu cử mới phát sinh như thế là sự việc hết sức đáng tiếc và ngoài tầm của MTTQ Việt Nam. Qua đây, MTTQ Việt Nam cũng hoàn toàn tán thành với quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia và coi đây là bài học xương máu. Có lẽ bài học lớn nhất ở đây chính là sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cả các cơ quan truyền thông với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
Làm sao để tất cả thông tin liên quan đến người ứng cử phải được các cơ quan Đảng, Nhà nước, báo chí cung cấp cho Mặt trận kịp thời, chính xác. Việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi cư trú, nơi làm việc để nhận xét, tín nhiệm với người ứng cử cũng cần phải tính toán lại. Nếu không rất khó có thể đảm bảo yên tâm kỳ sau không xảy ra những chuyện như vậy nữa.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!