Tài liệu của ngành chức năng tiến hành kiểm tra tại Cty Hoàng Đông (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hoá) chỉ rõ: Doanh nghiệp này mắc nhiều lỗi vi phạm. Tuy nhiên việc giám sát, yêu cầu Cty Hoàng Đông khắc phục những tồn tại lại chưa được thực hiện nghiêm túc. Cách đây hơn một thập kỷ, Sở TNMT đã đề nghị UBND huyện Hoằng Hoá tạo điều kiện để doanh nghiệp này di dời vào khu công nghiệp, nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ, gây bức xúc trong nhân dân.
Cty Hoàng Đông chất đầy nguyên liệu phế thải dưới gầm cầu Hàm Rồng vượt.
Thừa nhận máy móc lạc hậu
Làm việc với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Cty Hoàng Đông tỏ ra cáu bẳn trước những kiến nghị của nhân dân trong khu phố. Ông Hoàng cho rằng, doanh nghiệp do ông làm chủ thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc bảo vệ môi trường. Ông giám đốc này khẳng định: “Gia đình tôi làm rất nghiêm túc. Trong tỉnh Thanh Hóa cũng như ngành giấy trên toàn quốc, không doanh nghiệp nào làm được như tôi hết. Người ta kiểm tra, giám sát đầy đủ không có vấn đề gì cả”!
Vậy nhưng ngay sau đó, ông Hoàng lại nói: “Đến giờ này nó tóe loe ra rồi, tôi cũng không quan tâm nữa. Làm được ngày nào thì làm, không làm nữa thì đóng cửa”. Ông Nguyễn Công Hoàng dẫn tôi qua thăm nhà máy tái chế giấy phế phẩm, cho thấy: Toàn bộ các thiết bị máy móc đã cũ kỹ, cáu bẩn, lạc hậu. Gần chục công nhân không có trang bị bảo hộ lao động đang hì hụi sửa máy. Các bể lắng lọc khá nhỏ, không có thiết bị xử lý nước thải. Giấy phế liệu đổ ngổn ngang khắp nhà xưởng. Bên ngoài nhà xưởng, rác thải, bao bì catton chất đống đầy gầm cầu… Tôi hỏi về biện pháp xử lý nước thải, ông Hoàng nói: “Có cái chi mô. Trên sở họ hướng dẫn, bỏ tí vôi, tí phèn khoắng lên cho nó kết tủa, bột lên giấy, nước trong veo”?.
Vậy nhưng, sau khi đi thăm nhà máy, ông Hoàng thừa nhận: “Toàn bộ dây chuyền máy móc rất cũ kỹ, bán đi bây giờ tổng cộng chỉ được khoảng 250 triệu đồng. Tôi cũng đã đặt vấn đề mua lại đất của những gia đình liền kề với mức giá cao hơn thị trường để không làm ảnh hưởng tới người dân nhưng họ không bán”.
Cần sớm di dời
Cty Hoàng Đông thành lập và đi vào hoạt động năm 2002. Đến năm 2005, Sở TNMT Thanh Hoá đã tiến hành kiểm tra, tại thông báo số 2311/TB-TNMT ngày 2/11/2005 nêu: Xưởng sản xuất giấy hoạt động trên diện tích đất 200m2 của gia đình ông Hoàng tại thị trấn Tào Xuyên (nay là phường Tào Xuyên). Sở TNMT chỉ rõ: Một số thiết bị, máy móc thiếu bộ phận bảo đảm an toàn lao động. Nước thải sản xuất tuy đã được xử lý nhưng vẫn có màu đục, chất rắn lơ lửng cao. Sở TNMT đề nghị UBND huyện Hoằng Hóa tạo điều kiện cho Cty Hoàng Đông thuê đất, di chuyển vào cụm làng nghề hoặc khu công nghiệp.
Vậy nhưng hơn 10 năm sau, mọi việc vẫn chưa có tiến triển, thậm chí Cty Hoàng Đông còn mở rộng sản xuất, mức độ ô nhiễm phức tạp hơn. Cụ thể, ngày 15/4/2016, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tại Cty Hoàng Đông. Kết quả kiểm tra cho thấy, Cty Hoàng Đông đã mở rộng diện tích sản xuất lên 1.500m2, sản xuất giấy cuộn bìa catton, công suất hoạt động khoảng 800 tấn/năm. Cũng có việc Cty Hoàng Đông làm được như: Bụi, khí thải phát sinh do quá trình đốt củi cung cấp nhiệt cho lò hơi được xử lý qua bể hấp thụ bụi sau đó thải qua ống khói cao 22m… Song, Cty Hoàng Đông chưa thực hiện đầy đủ chương trình giám sát môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, nước thải từ quá trình xeo giấy rò rỉ ra sàn. Bột giấy bám dính nhiều trên các máy móc, thiết bị. Quy mô hoạt động của Cty Hoàng Đông đã thay đổi so với quy mô công suất theo nội dung đăng ký. Và cũng lạ kỳ, trong biên bản kiểm tra nêu trên xác nhận kiểm tra ngày 15/4/2016 nhưng ở phần kết luận lại nói biên bản được lập ngày 28/1/2016?
Như vậy, qua nhiều lần kiểm tra cho tấy Cty Hoàng Đông chưa nghiêm túc thực hiện các ý kiến, kết luận của cơ quan chức năng. Một phần do thiếu sự giám sát, đôn đốc thực hiện của Sở TNMT, phần khác do chủ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt bằng và còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Việc để tồn tại một doanh nghiệp chuyên sản xuất tái chế giấy phế liệu trong khu dân cư, sát cây cầu huyết mạch là rất phản cảm. Và chính ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Cty Hoàng Đông cũng mong muốn: “Giờ nếu được di dời vào khu công nghiệp, tôi sẽ đầu tư thiết bị mới đảm bảo sản xuất, tránh phiền hà đối với bà con lối xóm”. Ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND phường Tào Xuyên cho biết: Phường sẽ báo cáo lên UBND TP Thanh Hóa để di dời Cty Hoàng Đông vào khu công nghiệp nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư.