Người dân thôn Lộc Ninh, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã hiến đất để mở đường dân sinh lên núi Đá Ngựa. Thế nhưng, khi một doanh nghiệp làm trang trại vận chuyển vật liệu làm đường xuống cấp đi lại khó khăn khiến người dân bức xúc và xảy ra tranh chấp.
Nói về vấn đề này, ông Phan Văn Mới, trưởng thôn Lộc Ninh cho biết: Năm 2020 bà con tổ 31, thôn Lộc Ninh đồng ý hiến đất để ông Nguyễn Đức Hùng, người cùng thôn, trú tại tổ 27 làm thủ tục xin mở rộng tuyến đường lên đỉnh núi Đá Ngựa để vận chuyển cây keo, nơi ông Hùng có 7 hecta keo và người dân cũng có trồng keo trên núi này.
Cụ thể, đường lên núi Đá Ngựa gồm một đoạn đường giao thông nông thôn khoảng 150m và đoạn đường dân sinh khoảng 200 m, trước đây chỉ rộng khoảng 1,5 đến 2 m, ông Hùng mở rộng trên 3m. “Ngoài việc mở đường, ông Hùng có hứa với nhân dân là hỗ trợ làm đường bê tông nông thôn và điện đường chiếu sáng ở tuyến đường này, thế nhưng sau khi mở đường đến nay ông Hùng không thực hiện” - ông Mới nói.
Cũng theo ông Mới, vụ việc tranh chấp bắt đầu khi ông Hùng bán lại diện tích đất rừng của mình khoảng 3ha cho một người khác làm trang trại chăn nuôi. Quá trình vận chuyển vật liệu làm trang trại, xe quá tải trọng đi lại khiến đoạn đường xuống cấp và việc ông Hùng không thực hiện đúng lời hứa, vì thế người dân cản trở không cho lưu thông tuyến đường này. Trong khi đó, có một số đối tượng lạ đến, có hành vi đe dọa đối với người dân trong thôn, làm mất an ninh trật tự và gây bất an cho người dân.
Bất bình, ngày 24/8 người dân đã thuê xe múc khoảng 30 m ở tuyến đường giao thông nông thôn và 50m ở tuyến đường dân sinh đã hiến để lấy lại phần đường mà trước đây họ đồng ý giao cho ông Hùng mở đường. Ngày 24 và 25/8, UBND xã đã mời các hộ dân liên quan đến làm việc để giải quyết sự việc. Tại cuộc họp, 6 hộ dân có mặt đã đồng ý trả lại phần đất đã hiến trước đây để ông Hùng khắc phục lại.
Thế nhưng ngày 26/8, UBND xã thành lập tổ công tác cùng ông Hùng thuê xe múc lên khắc phục lại đoạn đường giao thông nông thôn, nhưng khi thực hiện tuyến đường dân sinh đi lên núi thì các hộ dân ra ngăn cản không cho khắc phục. Tổ công tác đã phân tích, giải thích, nhưng nhân dân không đồng ý với lý do, ông Hùng không cam kết thực hiện như đã hứa với nhân dân trước khi mở rộng mặt đường.
Trước sự việc trên, ngày 27/8, UBND xã đã mời 12 hộ dân liên quan cùng ông Hùng, người mua đất và lãnh đạo huyện để giải quyết vấn đề. Tại đây, ông Phan Hồng Thúy đại diện các hộ dân nêu ý kiến: “Việc hiến đất là để mở đường dân sinh phục vụ đi lại sản xuất. Thế nhưng, khi ông Hùng bán đất, người dân vận chuyển keo, đã bị người mua đất đem xe chặn không cho di chuyển gây bức xúc. Vì thế người dân phải lấy lại đất”.
Còn ông Lê Duy Phúc - người dân thôn Lộc Ninh cho rằng: “Tôi có đất trồng keo trên núi, nhưng khi khai thác thì họ cản trở đường, không vận chuyển được. Quan điểm của chúng tôi là chỉ lấy lại phần đất đã cho mở rộng đường, còn đường cũ vẫn để nguyên”.
Thực tế hiện nay một vùng đồi núi đã bị san ủi, tập kết vật liệu xây dựng để làm trang trại, nhưng con đường đã bị một số người dân trồng keo và xây dựng hàng rào, mặt đường chỉ còn rộng khoảng 1m đến 2m, các phương tiện xe tải, ô tô không thể đi lại được.
Trước tình trạng này, ông Trần Quốc Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, UBND huyện Phú Ninh đã nhận được đơn phản ánh của chủ trang trại, hiện chính quyền đã cử cán bộ xuống hiện trường để kiểm tra và yêu cầu lãnh đạo UBND xã Tam Thành tổ chức họp dân để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.