Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng trong công văn mà Bộ Tài chính trình Chính phủ để xin ý kiến đang nhận được dư luận tích cực. Thậm chí nhiều người còn cho rằng với xăng, dầu nên bỏ hẳn loại thuế này, tạo thêm dư địa để giảm giá xăng, dầu.
Bộ Tài chính đã chuẩn bị 2 phương án trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.
2 phương án giảm thuế
Cụ thể, phương án 1, giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Thời gian áp dụng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Theo đó, với mức giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng, tính bình quân một tháng số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) của 2 sắc thuế này khoảng 1.239 tỷ đồng/tháng; trong đó: giảm thu NSNN do giảm thuế TTĐB khoảng 711 tỷ đồng/tháng, giảm thu NSNN do giảm thuế GTGT khoảng 528 tỷ đồng/tháng). Nếu tính cả việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo các nghị quyết thì tổng giảm thu NSNN một tháng khoảng 5.432 tỷ đồng/tháng. Nếu thời gian thực hiện giảm thuế TTĐB và thuế GTGT trong vòng 6 tháng thì tổng giảm thu NSNN đối với 2 sắc thuế này là 7.434 tỷ đồng.
Như vậy tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT, thuế TTĐB thuế GTGT đối với xăng dầu như đề xuất là khoảng 40.890 tỷ đồng. Với phương án đề xuất nêu trên và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12/9/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 15,93% đối với xăng E5RON92, khoảng 17,95% đối với xăng RON95 và khoảng 9,75% đối với dầu diesel.
Bộ Tài chính cho biết, nếu thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế từ ngày 1/11/2022 đối với thuế TTĐB, thuế GTGT dự kiến tác động của biện pháp giảm thuế theo phương án này giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,1%. Tuy nhiên, tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành. Việc giảm thuế TTĐB, thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán xăng dầu, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Qua đó, sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023.
Đối với phương án 2, Bộ Tài chính đưa ra là giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Thời gian áp dụng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành. Theo đó, với mức giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng, nếu tính bình quân một tháng số giảm thu NSNN của 2 sắc thuế này khoảng 2.031 tỷ đồng/tháng.
Như vậy, nếu tính cả việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo các nghị quyết trước đó thì tổng giảm thu NSNN 1 tháng khoảng 6.224 tỷ đồng.
Nếu thời gian thực hiện giảm thuế TTĐB và thuế GTGT trong vòng 6 tháng: Tổng giảm thu NSNN đối với 2 sắc thuế này là 12.186 tỷ đồng. Còn tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT, thuế TTĐB, thuế GTGT đối với xăng dầu như đề xuất là khoảng 45.642 tỷ đồng.
Với phương án nêu trên và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 12/9/2022, thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 13,35% đối với xăng E5RON92, khoảng 15,61% đối với xăng RON95 và khoảng 7,18% đối với dầu diesel. Nếu thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế từ ngày 1/11/2022 đối với thuế TTĐB, thuế GTGT, dự kiến tác động của biện pháp giảm thuế theo phương án này giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,15%.
Cân nhắc để không tạo gánh nặng cho ngân sách
Thuế TTĐB là sắc thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf...). Về thuế GTGT, pháp luật thuế GTGT không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà chỉ quy định áp dụng thuế theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế với 3 mức thuế suất; trong đó, quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại.
Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế giá trị gia tăng 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng thuế TTĐB là thuế đánh vào những mặt hàng Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, mặt hàng xa xỉ, những mặt hàng có sự tác động xấu đến môi trường. Tại sao lại đánh thuế TTĐB với xăng dầu khi đây là mặt hàng thiết yếu? Chúng ta đã đánh thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu rồi thì không thể áp thuế TTĐB nữa vì lý do BVMT được.
“Có nhiều quan điểm cho rằng do xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, nhưng theo tôi cần phải làm rõ quan điểm này của cơ quan quản lý. Khi mà hiện nay các nước đang hướng đến dùng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch, nên lý do đánh thuế để tiêu dùng tiết kiệm là chưa thuyết phục” - ông Long nói.
Trong thời điểm này, chưa có mặt hàng nào có thể thay thế được xăng dầu vì nguồn năng lượng tái tạo của mình phát triển chưa mạnh, song xu hướng của thế giới là sử dụng năng lượng tái tạo. Vì vậy theo ông Long nên bỏ thuế TTĐB với xăng dầu.
Trước mắt trong 2 phương án của Bộ Tài chính đưa ra nên lựa chọn phương án nào? Vị chuyên gia cho rằng người dân và doanh nghiệp luôn mong giảm thuế ở mức cao nhất để giá xăng có thể giảm sâu. Tuy nhiên cơ quan quản lý sẽ còn phải tính toán và cân nhắc kỹ.
Còn đại diện Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, cơ quan này đã từng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10/2022.
Xăng là mặt hàng có số lượng đối tượng bị tác động lớn nhất do hầu hết người dân đều sử dụng xăng để đi lại.
Giới chuyên gia cho rằng mức thuế TTĐB đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay) nên việc điều chỉnh giảm thuế TTĐB sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu. Việc giảm thuế TTĐB là cần thiết và cần sớm thực hiện rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của việc giảm giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đời sống người dân. Về lựa chọn phương án, phần lớn các chuyên gia cũng như ý kiến người dân khi trả lời PV Đại Đoàn Kết đều cho rằng, nên giảm 50% thuế TTĐB cho cả mặt hàng xăng và dầu, sau đó tiến tới loại bỏ sắc thuế này đối với mặt hàng xăng dầu.
Anh Hoàng Trọng Tình (Hà Nội) chia sẻ, giá xăng càng thấp càng tốt. Xưa nay giá xăng cõng quá nhiều thuế phí, chỉ làm khổ người dân. Do vậy cần giảm thuế để giá xăng về mức thấp, hỗ trợ người dân. Trong bối cảnh thu nhập ngày càng khó khăn thì tiết kiệm được chừng nào tốt từng đó.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm thuế TTĐB cần cân đối ở mức hợp lý để người dân vẫn có ý thức tiết kiệm nhưng không làm tăng chi phí đầu vào ở các ngành sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Việc giảm thuế TTĐB với xăng dầu làm NSNN sẽ giảm thu, nhưng vẫn có cách để bù đắp hoặc không tạo gánh nặng cho ngân sách, chẳng hạn như giảm chi một số nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách.
GS.TS Đặng Đình Đào:
Giảm mạnh chứ không nên nhỏ giọt
Cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách để hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng. Dư địa giảm thuế còn nên cần giảm mạnh chứ không nên giảm nhỏ giọt. Ông Đào cũng cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi từ việc giá xăng dầu tăng cao, vậy tại sao không dùng số lợi nhuận đó để san sẻ nỗi lo với Nhà nước, với người dân? “Tôi cho rằng, đã đến lúc phải xem xét việc loại bỏ lợi nhuận định mức đối với nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”.
Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật ANVI:
Điều chỉnh mức chi phối thuế phí lên xăng, dầu
Giá xăng dầu hiện nay cõng thuế, phí lên gần 35% là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế phí xuống một nửa so với hiện nay. Không hiểu vì sao mà nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB? Bởi sắc thuế này chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu…Trong bối cảnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch thì xem xét giảm nhiều mức thuế TTĐB.
T.Hằng(ghi)