Là loại hình âm nhạc độc đáo có một không hai, đóng vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc dân tộc, thế nhưng đàn bầu lại đang đứng trước nhiều thách thức về quyền sở hữu. Nhận định trên được nhiều chuyên gia nghệ thuật đưa ra tại hội thảo: “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức ngày 21/10. Việc truy tìm cứ liệu về đàn bầu và xác lập quyền sở hữu của Việt Nam đối với loại hình âm nhạc này được cho là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Biểu diễn đàn bầu.
Biểu tượng văn hóa của Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Bình Định- Viện trưởng Viện Âm nhạc đã khẳng định những giá trị độc đáo có một không hai của đàn bầu, so với các đàn một dây trên thế giới.
“Đàn bầu là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi; chỉ có 1 dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ; có khả năng trình diễn các dạng luyến láy của Việt Nam”- ông Định cho biết.
Ông Định cũng nêu dẫn chứng, trong 2 cuộc kháng chiến trường kì gian khổ, bài tủ của các đoàn văn công luôn có tiết mục đàn bầu và sáo trúc.
“Có những đơn vị bộ đội trước giờ bước vào trận đánh ác liệt chỉ muốn được nghe đàn bầu”- ông Định nói.
Thậm chí, các tiết mục đàn bầu cùng các nghệ sĩ Việt đã đi biểu diễn khắp các châu lục trên thế giới và nhiều người nước ngoài đã cho rằng, hiểu người Việt Nam qua tiếng đàn bầu, có thể coi đàn bầu là một đại diện, một biểu tượng văn hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Định, cho đến nay, Việt Nam chưa có đủ cứ liệu để xác định một cách chính xác đàn bầu có từ bao giờ. Chính điều này cũng gây khó khăn cho việc xác lập căn cứ pháp lý cho đàn bầu, một nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Bình Định cũng dẫn ra những nguy cơ bị xâm hại quyền sở hữu của đàn bầu: “Mới đây trên website của mình, GS.TS âm nhạc Trần Quang Hải (đang ở Pháp) đã có bài viết bày tỏ lo lắng về việc nếu không sớm có những động thái phù hợp, Việt Nam có thể bị “mất quyền sở hữu” cây đàn bầu - nhạc cụ dân tộc đặc trưng của Việt Nam”.
TS Nguyễn Thanh Hà cũng chung quan điểm: Những ghi chép về nhạc cụ âm nhạc của Việt Nam rất hạn chế, trong đó có đàn bầu nên sẽ gây khó khăn nhất định cho việc khẳng định quyền sở hữu đối với nhạc cụ dân tộc này.
NSND Nguyễn Tiến cho biết, cây đàn bầu của Việt Nam có giá trị độc đáo và không nơi nào khác có được. Rất nhiều người ở một số nước trên thế giới đã tìm đến để tìm hiểu và học chơi đàn.
“Cuối năm 2013, tôi đã từng nói chuyện và biểu diễn minh họa về lịch sử phát triển cây đàn bầu Việt Nam tại Học viện Quảng Tây (Trung Quốc), nơi cũng có một khoa giảng dạy đàn bầu. Cả hội trường vô cùng ngạc nhiên và khâm phục. Trưởng khoa đàn bầu (và là người chỉ huy dàn nhạc của Học viện) đã nói với tôi: Nghe anh nói chuyện cả buổi sáng nay tôi mới hiểu được hết cái hay và cái đẹp của cây đàn bầu Việt Nam. Học viện chúng tôi có khoa Đàn bầu là vì có một số học viên là người dân tộc Kinh ở Trung Quốc có nhu cầu nên chúng tôi dạy thôi. Hiện nay cũng có học sinh Trung Quốc đang học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam về đàn bầu”.
Khẩn trương xác lập “chủ quyền” cho đàn bầu
Theo NSND Thanh Tâm, gần đây có dư luận Việt Nam rất có thể sẽ mất chủ quyền đối với cây đàn bầu. Nguyên nhân chính là do các thông tin đưa đến là tại vùng Quảng Tây, Trung Quốc, người ta đã đưa đàn bầu vào giảng dạy trong một số trường phổ thông; còn tại Trường Đại học dân tộc tỉnh này có phân khoa đàn bầu.
Theo đó, một số học giả Trung Quốc cố gắng tìm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì thế, việc làm cần thiết lúc này, theo NSND Thanh Tâm, đó là cần sớm thúc đẩy khẳng định giá trị, quyền sở hữu của Việt Nam với cây đàn bầu.
“Đã đến lúc chúng ta phải từng bước nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại của Việt Nam”- NSND Thanh Tâm nhấn mạnh. Cùng với đó là việc làm sao để phát huy giá trị của đàn bầu trong đời sống âm nhạc hiện nay, trước sự giao thoa văn hóa, đang gây khó khăn cho các nhạc truyền thống.
Tại hội thảo, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cũng góp phần làm rõ thêm nguồn gốc, xuất xứ của đàn bầu cũng như khẳng định quyền sở hữu của Việt Nam với đàn bầu.
GS.TS Trần Quang Hải kể lại, ông từng tham dự một hội thảo tại Seoul (Hàn Quốc) năm 2012, tại đó Hàn Quốc đã đưa ra những lập luận để phản bác việc Trung Quốc dự định đề xuất UNESCO công nhận bản nhạc Arirang là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc vì bản nhạc này được sắc tộc người Triều Tiên sinh sống ở Trung Quốc biểu diễn.
Bản Arirang sau đó đã được UNESCO nhìn nhận là của Hàn Quốc vào năm 2014. Ông cho biết thêm trước đó Mông Cổ cũng đã phản đối kịch liệt việc Trung Quốc đã trình UNESCO xin công nhận kỹ thuật “hát đồng song thanh Khoomei” của Mông Cổ là di sản của Trung Quốc.
Mông Cổ cho rằng kỹ thuật này phát nguồn từ vùng Tây Bắc của xứ Mông Cổ chứ không thể có ở vùng tự trị Nội Mông (Trung Quốc) như Trung Quốc tuyên bố. Năm 2010, Mông Cổ trình hồ sơ hát đồng song thanh Khoomei cho UNESCO và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Mông Cổ.
Từ những dữ kiện trên, GS Hải cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng có những hành động “xác lập chủ quyền” đối với cây đàn bầu. “Việc làm trước tiên là phải trình UNESCO nhìn nhận đàn bầu là di sản văn hóa của Việt Nam như đã từng làm cho quan họ, ca trù, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ... Đây là việc làm khẩn cấp và phải làm ngay từ bây giờ để đánh dấu sự hiện hữu của nhạc cụ này trong nhạc dân tộc Việt Nam. Đồng thời kêu gọi những nhà nghiên cứu nhạc dân tộc tìm kiếm tài liệu qua thư tịch xưa để xác định nguồn gốc của đàn bầu, sự hiện diện của đàn bầu trong đời sống của cộng đồng người Việt.