Trong số các sản phẩm nông nghiệp, trái cây phục vụ xuất khẩu là một trong những mặt hàng tạo ra nhiều rủi ro nhất cho người nông dân cũng như doanh nghiệp. Tình trạng nông dân phải chặt bỏ dưa hấu, thanh long, mít,... tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi cho tính bền vững của ngành hàng này.
Khoảng 3 tuần nay, các hộ dân trồng xoài xuất khẩu ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như “ngồi trên đống lửa” vì giá xoài đang xuống thấp mức kỷ lục, thậm chí thương lái còn muốn không thu mua. Ông Vũ Anh Văn, ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, giá xoài Đài Loan tại xã ở thời điểm bình thường dao động ở mức 10.000 -12000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 2.500 - 4.000 đồng/kg.
“Chúng tôi đang lỗ nặng, thậm chí là mất trắng vì đây là thời điểm xoài đang chín rộ. Gia đình chưa biết xử lý thế nào, trong khi đã đến thời gian đáo hạn ngân hàng và trả tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đại lý” - ông Văn than thở.
Trong khi đó, giá xoài cát Hòa Lộc tại các tỉnh ĐBSCL cũng đang vào mùa chín, giá bán loại này cũng chỉ từ 20.000 -24000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với tháng trước. Đối với xoài Cát Chu giá tại vườn cũng chỉ còn 4.500 -6.500 đồng/kg.
Chia sẻ về nguyên nhân xoài bị rớt giá, ông Trần Tuấn Giàu - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Tiến Hưng (Đồng Tháp) cho rằng, phần lớn xoài được nông dân trồng để phục vụ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, thế nhưng gần đây nước này áp dụng các quy định mới về xuất nhập khẩu của thị trường, khiến việc xuất khẩu xoài gặp khó khăn.
“Ngay cả trong hoạt động xuất khẩu của ngành hàng trái cây từ đầu năm 2022 đến nay, trái xoài cũng là một trong những nhóm hàng sụt giảm mạnh. Chỉ tính riêng quý I-2022, nhóm mặt hàng xoài có kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 55 triệu USD, giảm đến hơn 44% so với cùng kỳ năm trước”, ông Giàu thông tin.
Ông Nguyễn Xuân Khang - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông nghiệp An Khang phân tích thêm, điểm yếu trong đầu ra của quả xoài ở các tỉnh Nam bộ đang nằm ở việc còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi còn hạn chế về chiến lược quảng bá tiếp thị và chưa đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu khắt khe ở những thị trường cao cấp hơn.
Không chỉ vậy, do sản lượng chưa ổn định cũng làm cho giá cả của mặt hàng xoài biến động lớn. Giá thành thấp nhưng lại thiếu sự liên kết giữa những người tham gia trong chuỗi giá trị dẫn đến thiếu tổ chức nên giá thành sản xuất xoài lại cao, làm các nhà vườn khó tránh chuyện khốn đốn.
Không chỉ với quả xoài, đây là tình trạng chung của rất nhiều mặt hàng trái cây khác như: Thanh Long, dưa hấu, mít, măng cụt, bơ, sầu riêng...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại - Dịch vụ An Khánh (Bình Dương) nói rằng, khi giá thị trường bên ngoài quá cao thì sản lượng mà các nhà vườn cung cấp cho DN lại không đủ. Còn khi giá thị trường bên ngoài quá thấp lại cung cấp sản lượng rất nhiều về phía DN.
Theo ông Ngọc, lúc khó khăn về đầu ra, chúng ta lại nghe rất nhiều chuyện về việc thương lái bỏ cọc, bỏ vườn. Từ đó, để thấy giá trị của việc liên kết giữa DN với hợp tác xã và nông dân là cực kỳ quan trọng, càng chặt chẽ bao nhiêu, càng giảm rủi ro về đầu ra cho nhà vườn bấy nhiêu.
Có thể nói, ngành hàng trái cây hiện vẫn loay hoay ở tư duy sản lượng, dù tạo ra nhiều sản lượng nhưng lại đánh đổi về mặt chi phí, nhất là với giá vật tư đầu vào tăng quá cao, rồi lại chới với khi đầu ra không có, giá cả trồi sụt triền miên.