Kinh tế

Cần tạo thành thói quen tiết kiệm điện

T.Hằng 17/05/2024 11:31

Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Việt Nam đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác.

anh-bai-tren(4).jpg
Dự báo mùa hè năm 2024 nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh. Ảnh: H.H.

Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện. Theo ông Lâm, nếu làm tốt việc tuyên truyền về tiết kiệm điện cho học sinh thì sự lan tỏa sẽ nhiều hơn, sâu rộng hơn, dần xây dựng được một lớp công dân không những có ý thức tiết kiệm điện mà còn có ý thức với môi trường, xã hội, sống có trách nhiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Bên cạnh đó cần quan tâm đến nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, bởi họ chiếm tỷ lệ cao trong việc sử dụng điện. Năm 2023, trong tổng số 253 tỷ kWh điện thương phẩm, riêng nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm là 107 tỷ kWh. Nếu làm tốt việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong khối doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều.

“EVN đặt ra mục tiêu năm 2024 tiết kiệm được 5,5 tỷ kWh và phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kWh đến hết năm 2024” - ông Lâm cho biết.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023. Cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%.

Về thành phần điện đã sử dụng, điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại - dịch vụ tăng 18,95%, điện cho sinh hoạt tăng 18,54% - cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua. Riêng tại Hà Nội, điện cho thương mại - dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt khu vực Hà Nội tăng 29,27%.

Tính chung tại miền Bắc, tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp là 13,02% - mức rất cao trong 4 tháng vừa qua. EVN dự báo trong năm 2024, vào những tháng hè, hệ thống điện có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng.

Theo TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không phải vì thiếu điện mà chúng ta mới cần tiết kiệm điện, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. "Nếu nhìn vào số liệu so sánh để làm ra 1.000 USD so với các nước thì thấy tiết kiệm điện vẫn còn dư địa kinh khủng như thế nào" - ông Thiên nói và cho rằng, trong những năm tiếp theo, Chính phủ phải chủ động có các giải pháp để nâng cao nhận thức người dân, coi điện là tài nguyên quý giá. Để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa tự trọng của mỗi người.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến việc tiết kiệm điện chưa mang lại kết quả như mong muốn là do giá điện của Việt Nam còn thấp. Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho biết Chính phủ và Bộ Công thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường. Chúng ta phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới.

Vẫn theo ông Sơn, chúng ta mua nhiên liệu, mua thiết bị từ nước ngoài, theo giá quốc tế thì chẳng có lý do gì để giá năng lượng của Việt Nam lại rẻ hơn giá thế giới. Có chăng chỉ có năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) vì nguồn nguyên liệu của chúng ta rẻ hơn còn ngay cả nhiệt điện than, hiện TKV cũng yêu cầu giá than bán cho EVN phải phản ánh được giá thị trường.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, việc thúc đẩy đầu tư cho sản xuất điện, tăng cường năng lực nguồn điện, phát điện vẫn là chưa đủ mà còn một vế đặc biệt quan trọng đó là sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả càng trở nên cấp bách và quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay khi nguồn cung điện đang gặp nhiều thách thức do tình trạng thủy văn đảm bảo phát điện của các nhà máy thủy điện diễn biến theo chiều hướng bất lợi bởi biến đổi khí hậu; các nguồn điện mới gặp nhiều khó khăn trong mở rộng đầu tư; còn nguồn điện gió, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác vận hành không ổn định.

Trên thực tế, tổng thể các khâu, từ cấp phát, điều tiết, phân phối cho tới việc sử dụng điện còn có những bất cập, chưa hợp lý ở một số nơi, dẫn tới những hệ lụy đối với đời sống dân sinh và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần tạo thành thói quen tiết kiệm điện