Trong những ngày đầu năm 2025, tại Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy. Theo Công an TP Hà Nội, thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, người dân cần hết sức cảnh giác.
Trưa 13/1, tại khu vực kho nhà tạm, lợp tôn ở địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy lớn. Ngay sau khi nhận thông tin, lực lượng chữa cháy đã đến hiện trường, đám cháy nhanh chóng được khống chế và dập tắt... Tuy nhiên, hỏa hoạn đã khiến cho toàn bộ phần mái tôn của dãy nhà xưởng bị hư hại nghiêm trọng, kết cấu công trình bị cong vênh, biến dạng. Tổng diện tích cháy khoảng 80m2. Rất may vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người.
Khoảng 19h40 ngày 9/1 tại tổ 10, khu tập thể A34, phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ xảy ra vụ cháy, đám cháy nhanh chóng lan rộng người dân không thể tự dập tắt và phải đợi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều động 10 xe chữa cháy và nhiều cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chống cháy lan và dập lửa.
Trước đó, tại khu tập thể A14 (Bắc Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) nằm sâu trong ngõ 120 Hoàng Quốc Việt cũng xảy ra vụ cháy. Ngọn lửa bắt đầu bùng phát từ tầng 3, sau đó lan qua khu vực “chuồng cọp”. Nhận tin báo, lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an quận Cầu Giấy đã điều động 4 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ có mặt tại hiện trường để khống chế vụ cháy. Đám cháy được khống chế hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người.
Cháy nổ là một nguy cơ tiềm ẩn đe dọa tính mạng và tài sản của mọi người trong khu dân cư, hộ gia đình, văn phòng, phân xưởng... Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ là hết sức cần thiết để hạn chế tối đa mức thiệt hại xảy ra.
Theo Công an TP Hà Nội, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân Thủ đô cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa như: Kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ, sử dụng thiết bị điện đúng cách; Kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ; Kiểm tra toàn bộ hệ thống điện trong gia đình, bao gồm dây dẫn, ổ cắm, phích cắm, và công tắc.
Bên cạnh đó, người dân cần kiểm tra và thay thế ngay các thiết bị đã cũ, dây điện bị hở hoặc có dấu hiệu hư hỏng. Cần đảm bảo các thiết bị điện được lắp đặt đúng quy chuẩn, sử dụng dây dẫn chịu tải phù hợp với công suất. Sử dụng thiết bị điện đúng cách, tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; không sử dụng các thiết bị điện không rõ nguồn gốc hoặc không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Khi ra khỏi nhà, người dân cần lưu ý tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, đặc biệt là các thiết bị sinh nhiệt như bếp điện, lò sưởi, bàn là... tránh quá tải hệ thống điện. Không cắm quá nhiều thiết bị vào cùng một ổ cắm, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như Aptomat (cầu dao tự động) để ngắt nguồn điện khi quá tải. Đặc biệt, người dân cần chủ động trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy: Mua và lắp đặt bình chữa cháy và thiết bị báo cháy trong nhà; Học cách sử dụng các thiết bị này để xử lý nhanh chóng khi có sự cố; Đặt các thiết bị chữa cháy ở vị trí dễ thấy, dễ tiếp cận để sử dụng kịp thời; Nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng; Thường xuyên kiểm tra, rà soát các nguy cơ cháy nổ trong gia đình và khu dân cư. Đảm bảo không gian thoát hiểm. Không để đồ vật chắn lối thoát hiểm hoặc cầu thang. Trang bị mặt nạ phòng độc, thang dây thoát hiểm để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp...