Ngày 22/2, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, một trong số những nạn nhân vụ ngộ độc nấm tại địa phương đã tử vong.
Trước đó, trong 2 ngày 18 đến 19/2, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu tiếp nhận 6 trường hợp người dân ở xóm Hịch, xã Mai Hịch có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng sau khi ăn trưa tại nhà. Được biết, trong bữa cơm có món canh nấu từ nấm rừng 8 người cùng ăn, sau hơn nửa ngày, 6 người bị đau bụng, tiêu chảy.
Tại trung tâm Y tế huyện Mai Châu, những bệnh nhân trên nhập viện ngày 18/2 được tiến hành truyền dịch, uống than hoạt, giảm đau, giảm tiết, kháng sinh đường ruột. Đến 8h sáng 20/2, có 2 bệnh nhân H.T.B. (40 tuổi), và H.C.L. (37 tuổi) có dấu hiệu bệnh không tiến triển. Sau khi hội chẩn, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến 0h30 ngày 22/2, bệnh nhân H.C.L. có tiên lượng rất xấu mặc dù được các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Nguyên nhân tử vong được xác định do bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngộ độc nấm, biến chứng suy đa tạng.
Người nhà các bệnh nhân cho biết, sáng ngày 17/2, người dân sau khi đi rừng có hái một túi nấm rừng (khoảng 200g) mang về nấu canh nấm với lá lốt trong bữa ăn gia đình. Nấm có màu trắng, hình dáng gần giống nấm rơm. Theo nhận định của các bác sĩ, đây là loại nấm cực độc. Bởi số lượng nấm được dùng để nấu canh rất ít nhưng vẫn khiến cho các bệnh nhân bị ngộ độc nặng.
Cũng chính tại huyện Mai Châu, cách đây ít năm từng xảy ra vụ việc 2 người trong một gia đình tử vong do ngộ độc nấm. Điểm chung của các loại nấm độc là có hình dáng, màu sắc đẹp mắt, mùi vị hấp dẫn, nhưng rất khó để phân biệt giữa nấm độc với nấm có thể ăn được. Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn nấm lạ.
Theo thống kê tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc và tử vong do nấm lên đến 50%.
Trước thực trạng có nhiều bệnh nhân ngộ độc nấm, nguy cơ tử vong cao, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có cảnh báo nguy cơ ngộ độc do nấm, hoa quả rừng. Theo Cục An toàn thực phẩm, số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ cho thấy, hàng năm vào mùa Xuân và đầu mùa Hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả, cây rừng...), có trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng dù đã được cứu chữa.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng…, Cục An toàn thực phẩm ban hành Công văn số đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bắc Ninh, TPHCM phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao...
Các chuyên gia cảnh báo, một số loài nấm dại dù không phải là nấm độc, nhưng mọc ở nơi ô nhiễm, mọc ở tầng đất bên dưới có những chất khoáng độc hại như phốt pho, nếu ăn phải cũng sẽ gây ngộ độc. Do đó, trước khi chế biến nấm ăn, tốt nhất là nên chần qua nước sôi. Tuyệt đối không ăn nấm chưa chín, hoặc để nấm đã chín vào các dụng cụ đựng nấm sống vì có thể bị dính độc chất trong nấm sống, gây ngộ độc.
PGS.TS Nguyễn Thị Chính - nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, có thể nhận diện một số loài nấm độc cơ bản, như nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón thường mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng. Nấm mũ khía nâu xám thường mọc trên mặt đất trong rừng, nơi có nhiều lá cây mục nát. Nấm ô tán trắng phiến xanh mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô. Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt.