Cẩn thận khi vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng

Đỗ Ngọc Quang 20/04/2023 06:38

Có nhiều nhiều lý do để vay tiền, vay từ ngân hàng hoặc là vay bên ngoài. Hoạt động vay và cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng rất đa dạng. Tuy nhiên, giao dịch tiền tệ ngoài ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cho người vay.

Theo Luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law), đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Sài Gòn (SCOA) thì thị trường tài chính luôn tồn tại song song giữa thị trường chính thống và phi chính thống. Trong đó, thị trường phi chính thống có thể hiểu là thị trường tài chính tồn tại, hoạt động và vận hành ngoài hệ thống ngân hàng.

Thị trường này thực tế cũng hình thành đầy đủ các mối quan hệ, giao dịch về vay, mượn, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh… nói chung là nơi diễn ra các giao dịch về các tài sản, tiền, nguồn tài chính khác và thông thường là không tuân thủ một cách chặc chẽ và đầy đủ các quy định pháp luật. Bên cho vay bao giờ cũng quảng cáo về các điều kiện cho vay hấp dẫn, đơn giản về thủ tục và điều kiện vay khiến người vay tưởng nhầm là các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trong lĩnh vực hoạt động tín dụng về cho vay.

Vậy, thế nào là tín dụng đen?

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xác định các yếu tố chính về lãi suất. Cụ thể, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng có khống chế về mức trần lãi suất: Không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (hay không quá 1,666%/ tháng), các giao dịch với mức lãi suất này là giao dịch với lãi suất hợp pháp. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn, tức là lãi suất ở mức 10%/năm tại thời điểm trả nợ vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá mức lãi suất là 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá này sẽ không có hiệu lực, nghĩa là không được pháp luật thừa nhận trong quan hệ vay, cho vay.

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hình thức cho vay nặng lãi. Như vậy, cho vay nặng lãi, hay còn gọi là tín dụng đen được hiểu là cho vay ở mức lãi suất cao hơn mức lãi suất giới hạn tối đa là 20%. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác mà không phải là tiền thì sẽ quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có xác định “người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” (tức là ở mức lãi xuất 100%/ năm) kèm với một trong các dấu hiệu như thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ đó có thể thấy với các giao dịch cho vay có lãi suất từ trên mức 20%/năm đến dưới 100%/năm sẽ được xem là giao dịch có lãi suất bất hợp pháp nhưng chưa đến mức bị xử lý về mặt hình sự, những giao dịch trong khung này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nhưng trên thực tế, bên cho vay nặng lãi thường dùng các thủ đoạn để tăng lãi suất rất tinh vi, “núp” dưới nhiều vỏ bọc cùng các tên gọi khác nhau. Ngoại trừ phần lãi suất, họ thường đưa vào các khoản thu khác ngoài lãi, ví như: Phí môi giới từ 3% - 6%/lần cho vay, phí thẩm định khoản vay và tài sản trung bình là 1.5% - 3% số tiền cho vay, rồi phí quản lý khoản vay trung bình 2%/lần cho vay, thu thêm lãi suất phạt vi phạm tính trên nợ gốc và tính trên lãi chậm trả lên đến trên cả 100% tính cho năm đầu tiên, tính lãi nhập gốc…

Bên cho vay không bao giờ giải thích hết các khoản phải trả của bên vay hay số tiền thực nhận mà bên vay có thể nhận trong lần giải ngân đầu tiên. Sau khi đã lỡ ký hợp đồng và nhận tiền, đến lúc cộng dồn lại các khoản phải trả thì người vay mới “ngã ngửa” nhưng đã muộn.

Vì vậy, trở lại với ý kiến của luật sư Nguyễn Sơn Tùng, vay ngoài ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ sa vào bẫy tín dụng đen. Vì thế, phải hết sức cẩn thận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận khi vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO