Thời gian gần đây, tại địa bàn quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và khu vực giáp ranh xảy ra nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Trước đó, tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sau đợt mưa lũ, nhiều người dân phải nhập viện vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Cách sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Chị Nghiên Thị X. (42 tuổi, ngụ ở phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã phải nhập viện điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc A, bệnh viện quận Thủ Đức do bị rắn cắn vào ngón tay trong lúc đang phát quang bụi rậm sau nhà. Bệnh nhân nhập bệnh viện trong tình trạng tay sưng phù từ đầu ngón tay lan hết khuỷu tay, tại vết cắn có chảy máu. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt, sưng nề giảm dần và xin xuất viện.
Trước đó, tại Bình Định, sau đợt lũ kéo dài, hàng chục người dân tỉnh Bình Định phải nhập viện do bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Số người bị rắn độc cắn tăng nhanh khiến người dân vô cùng lo lắng.
Nguyên nhân là do vào mùa nước lũ, hầu hết các cánh đồng bị ngập sâu, các loại rắn về sinh sống ở hàng cây ven kênh, khu vườn ăn trái của người dân hoặc vào tận nhà và cắn người.
Theo các bác sĩ, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến mất mạng. Nọc độc của rắn lục đuôi đỏ không tác động lên hệ thần kinh mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử.
Bởi vậy, nếu bị rắn cắn thì phải sơ cứu đúng cách (nặn máu, làm sạch vết thương, băng ép) rồi đưa đến cơ sở y tế. Khi băng ép không nên buộc chặt vòng quanh chi (ga-rô) trên nơi có vết cắn vì có thể gây hoại tử chi nếu thời gian buộc kéo dài. Đa số, các trường hợp nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn đều được chữa khỏi do đã có huyết thanh điều trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách sơ cấp cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn dẫn đến có trường hợp bị hoại tử rất nguy hiểm.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn hoặc nghi ngờ các loại rắn độc cắn, tuyệt đối không được ở nhà tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian mà phải khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Ngoàira không chích rạch, giác hút, đắp lá... lên vết rắn cắn vì những kiểu xử lý vết thương do rắn cắn như thế này không có lợi mà còn có thể làm nặng thêm các tổn thương tại chỗ như hoại tử, chảy máu, nhiễm trùng...
Để phòng tránh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, người dân cần thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cây cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn. Khi dọn dẹp nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay loại dày, trùm kín vùng đầu, cổ, mặt, đeo kính bảo hộ, khua gậy dài trước khi dọn cỏ. Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ. Diệt chuột và các loại côn trùng vì chúng là những con mồi yêu thích của rắn lục đuôi đỏ.
Rắn lục đuôi đỏ sinh sản khá nhiều. Chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ từ 4 đến 14 con. Mặt khác loài rắn này thịt hôi, không có giá trị kinh tế nên không được sử dụng làm thức ăn hay ngâm rượu thuốc, do đó chúng càng có cơ hội phát triển nhanh.