Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh dự kiến khoảng 3 ngày mới có thể xử lý dứt điểm sạt lở hầm Bãi Gió.
Hầm Bãi Gió được xây dựng trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh từ thời Pháp với tuổi thọ hơn 100 năm, việc có nguy cơ xảy ra sạt lở hầm đã được nhận định, dự báo, đánh giá từ trước và vào lúc 12h45 ngày 12/4/2024, trong quá trình thi công Hầm Bãi Gió xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá trên đỉnh hầm làm ách tắc vận tải đường sắt.
Khoảng 100m3 đất đá từ trần hầm đã sụt xuống, bịt kín một đoạn hầm với chiều dài chưa xác định cụ thể. Vụ sạt lở buộc hành khách đi tàu phải chuyển sang xe ôtô trung chuyển để qua đoạn sạt lở, sau đó tiếp tục hành trình.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85 (Chủ đầu tư), các nhà thầu thi công và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp, huy động các nguồn lực thi công xuyên đêm để khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, do Hầm Bãi Gió xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện địa chất phức tạp, mặt bằng thi công hạn chế, đến nay mới khắc phục được vị trí sạt lở đầu tiên, chưa khắc phục xong vị trí sạt lở thứ 2.
Ngày 14/4, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh thông tin, hiện nay, các đơn vị liên quan gồm lãnh đạo Bộ GTVT, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thiết kế và các đơn vị liên quan vừa đưa ra phương án để xử lý dứt điểm sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (qua đèo Cả nối Phú Yên với Khánh Hòa)
"Theo dự kiến khoảng 3 ngày nữa mới thông tuyến nhưng Tổng công ty đường sắt Việt Nam sẽ cố gắng để thông tuyến sớm nhất, ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh, để khắc phục sự cố lần này Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã huy động hơn 200 công nhân cùng nhiều phương tiện, máy móc các loại đến khu vực sạt lở.
Đơn vị thi công đã làm mái vòm bằng sắt đỡ mái hầm đề phòng đất đá sạt lở xuống máy móc, công nhân. Sau đó, xuyên ngày đêm, các mũi thi công căng mình thu dọn, xúc đất đá sạt lở, vận chuyển ra ngoài.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh thông tin thêm, cơ quan chức năng cũng đã xác định được nguyên nhân ban đầu khiến hầm Bãi Gió sạt lở.
"Hầm Bãi Gió có địa chất rất phức tạp, đất đá trên núi đã bị phong hóa. Qua thời gian chịu mưa gió, đất đá đã không còn sự dính kết, rất rời rạc nên khi trùng tu thì thi nhau đổ xuống hầm. Nguyên nhân được xác định là do hầm bị thiên nhiên tàn phá, chứ không phải con người", ông Vinh nói.
Trước đó, ngày 13/4 Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa và các cơ quan liên quan chỉ đạo các đơn vị triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo về an toàn, tính mạng và tài sản.