Đề nghị, cần có biện pháp mạnh tay xử lý đối với những doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết quyền lợi cho người lao động hoặc có chính sách hỗ trợ người lao động được hưởng quyền lợi kịp thời,...
Sáng 6/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ gồm Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận; bà Trương Thị Ngọc Ánh; ông Đào Chí Nghĩa; ông Nguyễn Mạnh Hùng; GS.TS. Nguyễn Thanh Phương có buổi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri với cán bộ, đoàn viên Công đoàn; cán bộ chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở TP Cần Thơ sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại đây, các cử tri được nghe Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Đào Chí Nghĩa báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thông tin một số điểm mới về Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp.
Theo đó, các cử tri phấn khởi khi Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua, giúp các tổ chức Công đoàn phát huy vai trò làm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động một cách hiệu quả, mang lại niềm tin và kỳ vọng lớn cho hàng triệu người lao động trên cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Tại buổi tiếp xúc, trên tinh thần tập trung dân chủ, Cán bộ, đoàn viên Công đoàn TP Cần Thơ đã có ý kiến, kiến nghị liên quan đến một số vấn đề như: Quan tâm, có giải pháp phù hợp để người lao động được bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, cải thiện kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công việc; Có chính sách tăng lương để giảm khó khăn cho người lao động; Có cơ chế quản lý chặt chẽ, đồng thời có những cảnh báo sớm, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp về các chiêu trò lừa đảo, nhất là trên mạng xã hội; mong muốn được quan tâm nhiều hơn đến việc xây nhà ở cho công nhân và có chính sách ưu đãi mua nhà ở xã hội đối với công nhân lao động nhằm tạo điều kiện để NLĐ tiếp cận được nhà ở xã hội giá rẻ;…
Cử tri còn đề nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, liên quan đến luật Công đoàn vừa được sửa đổi, trong đó, các vấn đề về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT).
Cụ thể, lo lắng trước tình trạng vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, cử tri Mai Thị Kim Quyên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thủy kiến nghị: Cần có biện pháp mạnh tay xử lý đối với những doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết quyền lợi cho người lao động hoặc có chính sách hỗ trợ người lao động được hưởng quyền lợi kịp thời.
Cử tri Phạm Thị Hà An, Đoàn viên Liên đoàn Lao động quận Ninh Kiều cho rằng “Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định không tính hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với “thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng” điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động dẫn đến người lao động xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ gây xáo trộn thị trường lao động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.”
Cử tri Phạm Thị Hà An kiến nghị: Quốc hội cần quy định thời gian đóng BHTN trên 144 tháng phải được bảo lưu để được tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.
Theo cử tri đến từ Liên đoàn lao động huyện Thới Lai: Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% với mức này chưa đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ, nên người lao động mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp. Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên bằng 75% để đảm bảo cuộc sống của người lao động khi họ thất nghiệp,…
Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, đại diện lãnh đạo sở, ngành thành phố đã tiếp thu, trả lời, trao đổi làm rõ một số nội dung kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Đại diện ĐBQH cũng đã giải trình làm rõ một số nội dung cử tri liên quan đến chính sách tiền lương, tiếp thu sẽ xem xét đề xuất đóng góp dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Đại diện Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho biết, sẽ ghi nhận, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển đến cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Chiều cùng ngày tại Công an TP Cần Thơ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp tục có buổi TXCT với cán bộ chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trên địa bàn TP Cần Thơ.
Tại đây Đoàn đại biểu cũng ghi nhận các ý kiến cử tri phát biểu, kiến nghị liên quan đến các nội dung cụ thể như: Việc tính thâm niên công tác liên tục và chế độ chính sách khi nghỉ việc có lý do cho lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi chuyển sang lực lượng tham gia Bảo vệ ANTT ở cơ sở; Mức hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lực lượng Bảo vệ ANTT ở cơ sở; Việc chậm trả phụ cấp, hỗ trợ tuần tra đêm hằng tháng cho lực lượng Bảo vệ ANTT ở cơ sở; Về thủ tục thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VneID cho công dân trên địa bàn thành phố; Giải pháp để đảm bảo công tác đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thực hiện đạt hiệu quả cao hơn; Giải pháp để thực hiện thành công chủ trương Công an phường kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị và giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tại các địa phương trong thời gian tới…