Đây là nhận định của ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ tại buổi làm việc với Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an, trưởng đoàn công tác Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương về triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCTP theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay tại Cần Thơ ngày 13/10.
Ban chỉ đạo CCTP Trung ương làm việc tại Cần Thơ
Ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và các thành viên Ban chỉ đạo CCTP thành phố tiếp và làm việc với đoàn.
Theo báo cáo, Ban chỉ đạo CCTP, Thành ủy Cần Thơ, đầu nhiệm kỳ đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trên toàn thành phố, ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp.
Qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ cải cách tư pháp và giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện cải cách tư pháp có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác cải cách tư pháp ở các đơn vị, địa phương được quan tâm đúng mức…
Đối với Toà án nhân dân, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Toà án 2 cấp có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Đã thụ lý 12.846 vụ, việc, giải quyết 9.784 vụ, việc; Toà án nhân dân cấp huyện thụ lý 11.306 vụ, việc, giải quyết 8.612 vụ, việc. Công tác xét xử án hình sự, hoạt động tranh tụng tại phiên toà được chú trọng thực hiện theo hướng đảm bảo thực chất, dân chủ, công khai, chưa để xảy ra oan sai, hay bỏ lọt tội phạm.
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó bí thư tường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc
Viện kiểm sát nhân dân về công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp được nâng lên, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết tố giác tin báo, tội phạm; chất lượng tranh tụng tại phiên toà được chuyển biến tích cực, chủ động xét hỏi và tranh luận. Đã thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết 2.275 tin báo, tố giác tội phạm; cơ quan điều tra đã giải quyết 2.038 tin; kiểm sát điều tra 2.192 vụ/2.915 bị can (khởi tố mới 1.568/2.071 bị can)…tuy nhiên trong công tác CCTP đối với Viện kiểm sát nhân dân một số vướng mắc, việc giải quyết tố giác tin báo tội phạm còn để quá thời hạn luật định; chất lượng tham gia tranh tụng phiên toà chưa cao; một số kiểm sát viên năng lực còn hạn chế…
Về Cơ quan điều tra, thi hành án hình sự, công tác điều tra xử lý tội phạm đảm bảo khách quan, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; áp dụng các biện pháp ngăn chặn đúng quy định, khắc phục hiện tượng lạm dụng bắt khẩn cấp, hình sự hoá các quan hệ dân sự; các vụ án khởi tố điều tra đều có căn cứ. Đã tiếp nhận và giải quyết 2.775 tin báo, tố giác tội phạm, thuộc thẩm quyền giải quyết 2.411 tin. Thụ lý điều tra 1.856 vụ, 2.910 bị can.
Cơ quan thi hành án dân sự, luôn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung cải cách tư pháp, tạo bước phát triển mới theo hướng tích cực…
Tại buổi làm việc Ban chỉ đạo CCTP Cần Thơ cũng kiến nghị Ban chỉ đạo CCTP Trung ương, cần có ý kiến các cơ quan chức năng của Trung ương tiếp tục tăng cường mở các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cán bộ tư pháp định kỳ, trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế, đào tạo kiến thức bỗ trợ về tin học, ngoại ngữ, nhất là cho lực lượng điều tra viên, kiểm soát viên, chấp hành viên, thẩm phán và công chứng viên, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Các cơ quan tư pháp Trung ương và các bộ, ngành có liên quan ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, phân bổ kinh phí đào tạo, mua sắm trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp. Sớm triển khai nhà thi hành án tử hình ở khu vực Tây Nam Bộ.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Thành ủy Cần Thơ cần tiếp tục tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội XII về “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân...”. Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW và các kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp, cải cách tư pháp.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, bố trí, sắp xếp lại cán bộ để phát huy hiệu quả khả năng làm việc của cán bộ.
Chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh, trong đó chú ý nâng cao, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Ban chỉ đạo CCTP và các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp của thành phố cần tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể triển khai thực hiện các vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được xác định trong Chương trình số 03- CTr/BCĐCCTPTW ngày 6/10/2016 của Ban chỉ đạo CCTP Trung ương. Đồng thời tích cực triển khai thực hiện Bộ Luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và một số luật mới được Quốc hội thông qua.
Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm...
Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ, các tổ chức thành viên và nhân dân cần xây dựng, tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình giám sát chuyên đề đối với công tác của các cơ quan tư pháp; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tư pháp...
Tổ chức thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân.