Thành phố Cần Thơ có khoảng 40.000 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hơn 1.000 hộ nghèo, 4.200 trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt.
Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) ở TP Cần Thơ (gọi tắt là Đề án 32), thời gian qua đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội giảm nghèo, dân số và gia đình, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp các đối tượng yếu thế, người già cô đơn, người tàn tật… từng bước tạo ra nền tảng ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thành phố Cần Thơ có khoảng 40.000 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hơn 1.000 hộ nghèo, 4.200 trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt. Ngoài hỗ trợ các đối tượng cần hỗ trợ ngoài cộng đồng, Cần Thơ có 2 cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB&XH quản lý trực tiếp.
Hiện các cơ sở này đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 685 đối tượng, do đó nghề công tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp đỡ những đối tượng này tiếp cận được với các dịch vụ trợ giúp xã hội. Với mục tiêu chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên địa bàn. Thời gian qua TP Cần Thơ đã tích cực xây dựng, mở rộng và phát triển nghề CTXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thống kê từ Sở LĐTBXH, trong năm 2020, TP Cần Thơ đã trợ cấp thường xuyên cho hơn 482.000 lượt đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng, mua bảo hiểm y tế cho hơn 187.000 lượt đối tượng, tổng kinh phí hơn 13,6 tỷ đồng, trợ cấp mai táng phí cho hơn 2.300 đối tượng với kinh phí gần 13 tỷ đồng; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tổng số 36.076 đối tượng với tổng số tiền trên 54 tỷ đồng.
Nhằm giúp những đối tượng yếu thế tiếp cận được các quyền lợi cũng như dịch vụ trợ giúp xã hội, hàng năm Sở LĐTBXH TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị tổ chức kết nối mạng lưới các trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội gồm: Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Cơ sở cai nghiện ma tuý; tuyên truyền sâu rộng về vai trò quan trọng của Đề án phát triển nghề công tác xã hội, các chính sách liên quan đến Đề án, các chính sách trợ giúp về nuôi dưỡng; chăm sóc, phục hồi sức khỏe, hướng nghiệp, dạy nghề... qua đó đã nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở đã mở nhiều lớp truyền thông tư vấn, tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác người khuyết tật trên địa bàn theo Đề án trợ giúp người khuyết tật; hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ địa phương tại các quận, huyện. Từ đó góp phần nâng cao năng lực, sự đoàn kết, chia sẻ trong hoạt động CTXH cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền tại cơ sở.
Sau hơn 9 năm triển khai Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đến nay đã phát triển mạng lưới cộng tác viên CTXH đến tận các xã, phường, thị trấn, chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Sở LĐTBXH rất chú trọng và quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho cán bộ làm CTXH.
Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng.
Để cụ thể hóa Đề án phát triển nghề CTXH với mục tiêu chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên địa bàn thành phố, Cần Thơ đã thành lập Trung tâm CTXH TP Cần Thơ với nhiệm vụ cung cấp một cách đầy đủ nhất các dịch vụ xã hội đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng.
Trung tâm cũng tăng cường thực hiện Mô hình Câu lạc bộ Tuổi hồng, Mô hình CTXH trong bệnh viện, Mô hình hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp đối tượng đang sống tại Trung tâm,... Qua đó, tạo cho trẻ có được môi trường sống tốt hơn, có điều kiện để hoà nhập và phát triển toàn diện hơn, góp phần ngăn cản các nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của trẻ.
Ông Châu Văn Tuốt, Trưởng phòng Xã hội, Sở LĐTBXH TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian tới Sở sẽ có kế hoạch thực hiện việc tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm CTXH theo hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở dịch vụ CTXH; kiểm tra, giám sát nghề CTXH; khắc phục những hạn chế, tồn tại, tuyên truyền và mở rộng mạng lưới cộng tác viên… Để làm được điều này, rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể đối với nghề CTXH.