Hệ thống MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện xã hội,…
Ngày 6/12, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân TP Cần Thơ khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Cần Thơ đã có nhiều đề xuất, kiến nghị phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố.
Theo đó, nhằm góp phần phục vụ việc phát triển KTXH – QPAN của thành phố, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Trung Nhân đề nghị Ban chỉ đạo và Sở chỉ huy phòng, chống dịch TP cần quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt rút kinh nghiệm những hạn chế vừa qua để công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt kết quả cao hơn, đảm bảo các điều kiện cần thiết để nhân dân an tâm sản xuất kinh doanh, đời sống người dân được đảm bảo.
Chủ tịch Nguyễn Trung Nhân nhận định, việc bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển năm 2021 đã ít, tỷ lệ giải ngân dưới 70% là một sự lãng phí và ảnh hưởng không tốt đến tốc độ phát triển KTXH của thành phố.
Trên cơ sở đó, ông Nhân đề nghị UBND thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc triển khai các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm và có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thành phố.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, ông Nhân đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tổ chức đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học. Đồng thời có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh, đặc biệt học sinh bậc tiểu học để đảm bảo chất lượng; đảm bảo học sinh đủ kiến thức tham gia các kỳ thi, nhất là kỳ thi đầu cấp và kỳ thi THPT quốc gia năm 2022.
Để nâng cao hơn nữa vai trò của MTTQ trong công tác tham gia giám sát và phản biện xã hội, Chủ tịch Nguyễn Trung Nhân đề nghị HĐND thành phố tạo điều kiện và chỉ đạo các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND thành phố phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp tăng cường công tác phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, yếu kém trong việc thực thi trách nhiệm được giao, góp phần làm trong sạch bộ máy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Song song đó, tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Thông báo về kết quả tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ông Nhân cho biết, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ đã phát động 2 đợt cao điểm vận động ủng hộ quỹ vaccine quốc gia, Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Cụ thể, tính đến ngày 5/12, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố vận động trên 43 tỷ đồng, vận động hàng hoá, trang thiết bị y tế ước trị giá 166 tỷ đồng…
Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực với tổng giá trị quy thành tiền trên 26 tỷ đồng. Ngoài ra, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động, tiếp nhận nhu yếu phẩm, hàng hoá, vật tư y tế trị giá trên 100 tỷ.
Chia sẻ vè tâm tư, nguyện vọng chung của nhân dân và cử tri thành phố, ông Nguyễn Trung Nhân cho biết Nhân dân đánh giá cao sự cố gắng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền trong cống tác phòng chống dịch. Đặc biệt, cử tri và nhân dân phấn khởi khi Đảng và Chính phủ kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân rất lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 từ đầu tháng 11 đến nay. "Do ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính và người lao động chịu nhiều áp lực, nhất là vào những tháng cuối năm; chi phí vật tư, giống, phân bón, công lao động, chi phí vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản… gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống người nông dân nên rất cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ thỏa đáng cho đối tượng này", ông Nhân thông tin.