Trong năm qua, với nỗ lực, phấn đấu của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thành phố, các cấp, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thành phố, đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác GDNN và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Lớp đào tạo nghề đan cho lao động nông thôn TP Cần Thơ.
Tỷ lệ học sinh giáo dục nghề nghiệp có việc làm ngày càng tăng
Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở LĐTB&XH thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác của ngành.
Việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã được chú trọng; nhiều cơ sở GDNN đã tìm ra những hình thức hợp tác với doanh nghiệp hiệu quả; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đã tham gia vào việc xây dựng chương trình, tổ chức đánh giá kết quả đào tạo; đã xây dựng được cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp thông qua chương trình phối hợp công tác
Mạng lưới cơ sở GDNN tiếp tục có bước phát triển tốt, quy mô đào tạo tăng, các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN như giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình, giáo trình được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tính đến tháng 11/2018, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 90 cơ sở GDNN, trong đó: 10 trường CĐ (03 phân hiệu); 14 trường TC (01 phân hiệu); 09 trung tâm GDNN-GDTX quận, huyện; 13 Trung tâm GDNN tư thục; 43 cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương làm cơ sở rà soát sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới. Tăng cường nhận thức của người học nghề. Đẩy mạnh quyết liệt phân luồng, làm tốt dự báo thị trường lao động để đưa vào hệ thống trường phổ thông, để phấn đấu có khoảng 60-70% học sinh vào học nghề.
Đến tháng 10/2018, các trường CĐ, trung cấp đã tuyển mới và đào tạo nghề được gần 41.000 người, đạt 89,1% kế hoạch năm 2018, trong đó tuyển sinh CĐ trên 5.400 người, trung cấp gần 2.900 người. Xu hướng HSSV tập trung lựa chọn vào học các ngành như: công nghệ ô tô, cơ khí, tin học, dịch vụ du lịch…
Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, ngành Điều dưỡng nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. So với năm trước, hầu hết các trường đều đạt chỉ tiêu tuyển sinh bậc Cao đẳng đạt bình quân gần 90% (riêng các trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, CĐ nghề Du lịch, CĐ Y tế, CĐ nghề đạt trên 90%). Bậc Trung cấp nhóm ngành sức khỏe ở các trường trung cấp tư thục không tuyển sinh được.
Chia sẻ về định hướng công tác DGNN cho năm tới, ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ cho biết: Năm 2019 là năm có ý nghĩa “nước rút”. Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp tham gia lao động sản xuất phục vụ cho phát triển kinh - tế xã hội của thành phố, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành LĐTB&XH năm 2019, công tác GDNN cần tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng và hiệu quả GDNN trong năm 2019; đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là ở những ngành, những địa phương có nhu cầu lớn về nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể, sẽ Tuyển mới GDNN cho 46.000 người. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 56,5%.
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả
Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT; nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng; đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng đã đi vào thực tiễn, có hiệu quả đối với người lao động góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho LĐNT gắn với xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng.
Thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 23/3/2018 của UBND thành phố Cần Thơ về dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2018, Sở LĐTB&XH đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT và các ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện một cách tích cực.
Đào tạo nghề cho LĐNT năm 2018 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể đã tổ chức dạy nghề cho LĐNT được 140/140 lớp với 4.765 người, đạt tỷ lệ 92% kế hoạch đề ra. Trong đó: Các nghề nông nghiệp đã tổ chức 30/30 lớp với 1.019 người; Các lớp nghề phi nông nghiệp đã tổ chức 110/110 lớp với 3.746 người. Số nghề đào tạo là 37 Nghề nông nghiệp và Nghề phi nông nghiệp. Toàn thành phố có tổng số 39 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả.
Về huy động và phát triển mạng lưới cơ sở tham gia dạy nghề theo Đề án, đến nay toàn thành phố đã có 28 đơn vị tham gia. Trong đó có 02 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 08 doanh nghiệp tham gia dạy nghề.
Để công tác đào tạo nghề tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ định hướng cho đào tạo nghề thời gian tới: “Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề thực hiện tuyên truyền, quảng bá, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề cần đầu tư thích đáng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên và đầu ra theo đúng quy định, đồng thời chính sách đào tạo cần tương thích với lực lượng đào tạo. Để đáp ứng nhu cầu lao động của chính mình và góp phần nâng cao năng suất lao động, doanh nghiệp nên tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá năng lực, xây dựng chương trình đào tạo.”