Tràn ngập mạng xã hội những ngày cuối năm học là hình ảnh giấy khen, giấy chứng nhận thành tích, bảng điểm, bài thi… của con được các bậc phụ huynh chia sẻ. Việc này đã có từ vài năm trở lại đây và đã được các chuyên gia giáo dục nhiều lần cảnh báo nhưng dường như không hề giảm, thậm chí tăng lên.
Chị Phạm Phương Mai (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, vừa qua vợ chồng chị xung đột vì việc chị đăng loạt bài thi, bảng điểm, học bạ của con lên Facebook. Bài viết nhận được hàng trăm bình luận của bạn bè, người thân quen, chủ yếu là chúc mừng con đã hoàn thành năm học cuối cấp tiểu học xuất sắc, chuẩn bị cho chặng đường tiếp theo. Đến tối khi chồng chị vào mạng mới thấy bài đăng đã yêu cầu xóa ngay vì như vậy là lộ thông tin cá nhân của con, gây áp lực cho con…
“Tôi phản ứng rằng đó chỉ là một cách để lưu giữ lại kỷ niệm để sau này con lớn sẽ nhìn lại khi nhỏ. Gia đình tôi trước nay không tạo áp lực con phải đạt học sinh giỏi hay so sánh với bạn này, bạn khác mà luôn khuyến khích con tiến bộ hơn mỗi ngày nên nhìn bảng điểm có 7, 8 và cả 9, 10 để con thấy sự nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận” - chị Mai giải thích và cho biết, cuối cùng để không gây căng thẳng, chị đã chỉnh bài viết về chế độ riêng tư chỉ mình và một số người thân trong gia đình xem được.
Đây không phải là câu chuyện hiếm xảy ra khi ngày nay, khoe con trên mạng xã hội đã có thể gọi là trào lưu. Nhiều phụ huynh không ngần ngại đăng “tất tần tật” từ những bài văn hồn nhiên của trẻ cho đến những bảng điểm long lanh toàn 9, 10 hay có cả những điểm thấp hơn như trường hợp người mẹ ở trên nêu. Mỗi người một quan điểm nhưng phần lớn các bậc phụ huynh này đều cho rằng đây thuần túy là việc lưu giữ lại những khoảnh khắc quan trọng, chia sẻ niềm vui, niềm tự hào của bậc làm cha, làm mẹ với những thành tích của con đã nỗ lực đạt được sau một chặng đường học tập miệt mài. Người người đăng ảnh, nhà nhà khoe giấy khen với cơn mưa những lời khen ngợi, trầm trồ thán phục của những người bạn trên mạng có cả quen biết và cả không quen biết ngoài đời thực.
Dẫu vậy, chính phụ huynh lại quên mất cảm nhận của trẻ nhỏ - nhân vật chính của những tấm giấy khen kia. Nếu hỏi các em có thích được tuyên dương, khen ngợi theo cách này không, có lẽ chẳng mấy em hào hứng, thậm chí nhiều em thấy ngại với người khác. Bởi sẽ có những phụ huynh nhìn thấy bảng điểm này và so sánh với con nhà mình. Những trẻ khác sẽ bị mắng mỏ hay nói kiểu không bằng con nhà người ta dù cùng một thầy cô dạy, cùng được đầu tư học thêm như nhau…
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh, đánh giá dựa trên sự tiến bộ của học sinh thay vì chỉ dựa vào thành tích, điểm số mà học sinh đạt được. Hiện nay, khi thầy cô phát bảng điểm trên lớp cũng là phát riêng cho phụ huynh đó xem. Nếu như trước kia giáo viên sẽ nhắc nhở học sinh trong các cuộc họp cuối năm thì nay phần lớn được trao đổi bằng tin nhắn riêng, không phê bình trước lớp.
Nhưng nếu vẫn còn những bậc phụ huynh hào hứng đưa thành tích của con lên mạng xã hội, vẫn sung sướng với những lời khen ảo thì căn bệnh thành tích trong giáo dục còn khó để triệt tiêu. Những đứa trẻ chắc chắn sẽ phải chịu áp lực lớn với sự kỳ vọng của bố mẹ phải giỏi hơn theo từng năm, đại loại nếu năm nay có giấy khen xuất sắc thì năm sau không thể là học sinh tiến bộ vượt trội được…
Mặt khác, theo phân tích của một chuyên gia về công nghệ thông tin, một trong những đặc tính của không gian mạng là tính lưu giữ thông tin cao và độ lan rộng bất kể không gian thời gian. Một bức ảnh, một dòng trạng thái hôm nay có thể lưu giữ nhiều năm sau. Mỗi người khi tham gia internet cần cẩn trọng trong việc chia sẻ bất kỳ thông tin nào để tránh những hậu quả không lường trước được sau này, cụ thể ở đây là việc cần thiết phải bảo vệ dữ liệu cá nhân của con.