Vitamin A, còn có tên gọi khác là retinol - một chất thiết yếu cho con người thuộc nhóm vitamin tan trong dầu. Với trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A, khi uống quá liều có thể gặp các phản ứng mạnh dẫn tới ngộ độc cấp.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trẻ bị nôn, đau bụng, tiêu lỏng, phồng thóp... Bác sĩ đánh giá những triệu chứng này dễ gặp ở trẻ nhỏ sau khi uống vitamin A liều cao. Chính vì các triệu chứng này nhiều bà mẹ đã hốt hoảng đưa con đến bệnh viện vì tưởng trẻ bị ngộ độc thực phẩm trường học, viêm não hoặc màng não. Một số bé phản ứng mạnh khi uống quá liều vitamin A có thể dẫn đến ngộ độc cấp với các dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn; dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy... Các triệu chứng này xuất hiện sau khi uống từ 6-24 giờ.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, theo BSCK1 Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng quá liều cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra, theo dõi và có hướng xử lý phù hợp nhằm loại trừ các biến chứng ngộ độc và các bệnh lý kèm theo khiến tình trạng quá liều ngày càng nặng. Phụ huynh tuyệt đối không tự xử trí tại nhà. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc nhẹ, phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C vài ngày, sau 5-7 ngày các triệu chứng ngộ độc trên sẽ giảm dần và hết.
Theo bác sĩ Vũ, những triệu chứng trên là tình hình chung gặp phải ở mỗi đợt uống vitamin A liều cao tập trung. Khi đặt lên bàn cân giữa nguy cơ và lợi ích, thì những tác dụng lâu dài cho miễn dịch của vitamin A lên cơ thể trẻ vẫn đáng quan tâm và được ghi nhận, bên cạnh đó, những tác dụng phụ này tương đối ít gặp. Theo đó, đợt uống vitamin A liều cao còn kéo dài trong những ngày đầu tháng 12 tại các cơ sở y tế địa phương, trường học. Phụ huynh hãy an tâm đưa con đi uống vitamin A, và nên theo dõi trẻ sát sau mỗi đợt uống.
Dược sĩ Hoàng Trọng Tín (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM) cho biết, việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ phải đúng liều lượng và đúng cách. Khi cho trẻ sử dụng vitamin A cần lưu ý: Đối với trẻ từ 6-12 tháng tuổi, giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm viên nang, bóp đếm số giọt trong 1 viên nang. Cho trẻ uống 3-4 giọt Vitamin A (nửa viên), sau đó cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng. Đối với trẻ 12-23 tháng tuổi: Giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm viên nang, bóp hết dịch vitamin A vào miệng trẻ, sau đó cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng. Đối với trẻ trên 24 tháng tuổi, cho trẻ nhai hoặc nuốt viên nang vitamin A rồi cho trẻ uống nước.
Dược sĩ Tín lưu ý, khi dùng Vitamin A liều rất cao: Người lớn trên 1.500.000 UI/ngày, trẻ em trên 300.000 UI/ngày sẽ dẫn đến ngộ độc cấp, xuất hiện sau khi uống thuốc 4-6h. Thường có biểu hiện hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, kích thích, tiêu chảy, co giật, mê sảng. Đặc biệt, vitamin A có khả năng gây ngộ độc cho gan. Uống vitamin A quá nhiều là nguyên nhân gây ngộ độc gan phụ thuộc vào liều lượng có thể đưa đến xơ gan…
Đồng thời bác sĩ Phan Hữu Phước, Khoa lão - Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM khuyến cáo, nhiều người vẫn nghĩ rằng vitamin liều cao là thuốc tăng lực, nhưng quên rằng vitamin cũng là thuốc, một chất hoá học, nghĩa là dùng quá liều cũng sẽ bị ngộ độc. Chẳng hạn vitamin A, D là hai vitamin tan trong mỡ hay bị ngộ độc khi dùng liều cao kéo dài.
Uống vitamin A liều cao là giải pháp can thiệp cộng đồng quan trọng cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi, giúp phòng, chống các bệnh về mắt do thiếu vitamin A, giúp tăng sức đề kháng và giúp trẻ tăng trưởng tốt. Khi thấy trẻ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu hoặc vừa trải qua một đợt mắc bệnh viêm phổi, tiêu chảy, sởi... phụ huynh có thể đưa trẻ tới khám tại bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn và bổ sung vitamin A phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.