Gần đây, liên tiếp 2 vụ tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ đã xảy ra tại Hà Nội và TPHCM. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi người dân có nhu cầu đi làm phẫu thuật, thẩm mỹ thì yếu tố an toàn tính mạng phải được coi trọng đầu tiên.
Khoảng 11h30 ngày 18/3, chị N.T.N.N. (SN 1989, quê Đồng Tháp) nhập viện để phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A (TPHCM). Đi cùng có người nhà và bạn thân. Gia đình cũng có người từng phẫu thuật nâng ngực nên nắm được quy trình, thời gian cho ca mổ. Tới khoảng 15h cùng ngày, do chờ quá lâu mà chưa hay tin gì về kết quả, người nhà hỏi nhân viên y tế thì được biết, bệnh nhân gây mê chưa tỉnh nên chưa cho gặp được.
Một lúc lâu sau, bệnh viện vẫn không thông báo tình trạng bệnh nhân cũng như chưa cho gặp chị N.. Lo lắng và nghi ngờ, người thân chị N. đã tự đi tìm và phát hiện được nơi chị N. đang nằm. Tuy nhiên, chị N. đã trong tình trạng tử vong.
Người nhà chị N. bức xúc cho biết, người thân của mình không may tử vong nhưng gia đình cũng không thấy lãnh đạo bệnh viện xuống làm việc hoặc giải thích, chỉ duy nhất bác sĩ trực tiếp phẫu thuật nâng ngực đến xin lỗi. Gia đình còn đang bối rối, phía bệnh viện lại yêu cầu đóng đầy đủ viện phí mới được đưa xác thân nhân về.
Theo báo cáo gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thì phía Bệnh viện 1A cho rằng, nữ bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực có dấu hiệu ngưng tuần hoàn hô hấp trong quá trình phẫu thuật, đã được xử lý hồi sức tích cực. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cho hay, cả bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê đều có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên khoa. Hiện vụ việc đang đợi kết quả giám định pháp y.
Trước đó, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ việc cô gái 22 tuổi tử vong sau khi nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui” ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Theo thông tin từ Cơ quan Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cơ sở thẩm mỹ này không có giấy phép hành nghề và hiện trường phẫu thuật nâng mũi bị xáo trộn, dụng cụ phẫu thuật bị cất giấu.
Theo các chuyên gia y tế, làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của nhiều người khi họ muốn thực hiện điều đó để cải thiện hình thức, cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ vì cải thiện cuộc sống mà không tìm hiểu kỹ về sự hợp pháp của những dịch vụ mình sắp thực hiện, kinh nghiệm cũng như bằng cấp của những người trực tiếp thực hiện thẩm mỹ cho mình, điều mà họ nhận được có khi sẽ là những tổn thương sức khỏe không thể hồi phục được, thậm chí là đánh mất cả tính mạng.
PGS. TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, với sự phát triển ồ ạt của thị trường tạo hình, thẩm mỹ, nhiều cơ sở thẩm mỹ ra đời nhưng lại thuê bằng bác sĩ, kỹ thuật viên chưa được đào tạo bài bản, chưa có chứng chỉ hành nghề… nhưng lại thực hiện rất nhiều kỹ thuật đòi hỏi phải tay nghề cao dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Thực tế, khi đã thực hiện phẫu thuật thì ở đâu cũng có nguy cơ biến chứng, nhưng nếu bác sĩ có tay nghề cao, thực hiện đúng quy trình thì biến chứng giảm xuống thấp nhất. Do đó, từ phẫu thuật nhỏ nhất đến lớn nhất nếu không được thực hiện ở trung tâm y tế được chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và các bác sĩ được đào tạo bài bản, được cấp phép hành nghề thì nguy cơ biến chứng tiềm ẩn cao.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng, khi có nhu cầu đi làm phẫu thuật, thẩm mỹ thì yếu tố an toàn tính mạng phải được coi trọng đầu tiên. Trước hết, khách hàng phải tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ tới làm đẹp.
Người bệnh cần phải được thăm khám, thực hiện phẫu thuật ở một bệnh viện đa khoa có nhiều chuyên khoa, để tiện việc các chuyên khoa hỗ trợ lẫn nhau khi không may xảy ra sự cố. Hiện bệnh viện tư mở ra dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khá nhiều, trong khi nguồn nhân lực lại còn khiêm tốn. Trên thực tế, có nhiều bệnh viện tư không đủ sức thuê cả 1 ê kip phẫu thuật và gây mê, hay không đủ nhân lực trong ê kip theo dõi hậu phẫu.
Trong khi đó, việc theo dõi sau mổ vô cùng quan trọng. Các sự cố tương tự hay gặp tại những nơi thiếu nhân lực theo dõi hậu phẫu. Khi xảy ra tử vong cũng không biết được bệnh nhân chết vì lý do gì. Bệnh nhân N. tử vong có tiền sử bệnh hen suyễn, căn bệnh này chuyên khoa Phẫu thuật thẩm mỹ đã không chú ý.
Còn bác sĩ Nguyễn Xuân Trừ - nguyên Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, người dân khi đi làm đẹp cần lưu ý, tất cả các can thiệp chảy máu đều phải được thực hiện ở bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ do bác sĩ thực hiện. Các dịch vụ cũng phải được Sở Y tế cấp phép tùy theo xếp loại của phòng khám, bệnh viện.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo làm thẩm mỹ không đau, không để lại sẹo… nhưng thực tế từ những kỹ thuật nhỏ nhất như khâu mí mắt, nhấn mí cũng đã là phẫu thuật. Nếu kỹ thuật viên không có chuyên môn, việc khâu nhầm vào mạch máu là chuyện thường xuyên xảy ra. Nếu không được đào tạo bài bản, những kỹ thuật nhỏ như tiêm filler vào mũi, môi cũng có thể gây ra nhẹ là nhiễm trùng môi, mũi và nặng là bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, mù mắt”.