Sức khỏe

Cẩn trọng với bệnh đậu mùa khỉ

THANH MAI 18/08/2024 10:33

Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu với bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi. Tại Việt Nam, hiện Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân có tiền sử nhiễm HIV.

dich-b-1698739791852284113404.png
Người mắc đậu mùa khỉ thường xuất hiện những nốt mụn nước trên da.

Nhiều ca mắc trên thế giới

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Ủy ban chuyên gia của WHO đã đưa ra đề xuất về việc sử dụng vaccine phòng ngừa đậu mùa khỉ trong thời gian tới.

Trước đó, khi bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh chóng trên thế giới từ tháng 5/2022, trong đó chủ yếu là những người quan hệ đồng tính nam, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vào tháng 7/2022, sau đó tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Đến tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. PHEIC là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo quy định y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo đó, WHO đã cảnh báo về mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu do bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh của một chủng virus mới nguy hiểm hơn ở Cộng hòa dân chủ Congo. Dịch đậu mùa khỉ đến nay đã lan rộng qua nhiều quốc gia châu Phi, ít nhất 16 quốc gia châu Phi ghi nhận ca bệnh và tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại Congo. Theo số liệu của CDC châu Phi, kể từ tháng 1/2022 đến ngày 4/8/2024, châu lục này đã có 38.465 ca mắc đậu mùa khỉ và 1.456 ca tử vong. Riêng tại Cộng hòa dân chủ Congo, từ đầu năm 2024 đến nay, nước này đã báo cáo phát hiện hơn 14.000 ca bệnh và 524 ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, vượt quá tổng số của năm ngoái.

Đường lây giống HIV

Theo thống kê của WHO và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, qua các trường hợp được báo cáo trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ tại hơn 100 quốc gia từ năm ngoái đến nay, bệnh có hai đặc điểm quan trọng. Thứ nhất, hầu hết bệnh xảy ra trên những người đồng tính nam, người song tính, người có nhiều bạn tình, lây qua đường quan hệ tình dục. Thứ hai, bệnh nhân đậu mùa khỉ có phát ban, bóng nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục do liên quan đường lây là quan hệ tình dục không an toàn.

Theo đó, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, khác với HIV, bệnh sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường...). Các triệu chứng bệnh nặng gồm: Tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM phân tích, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi, khi khỏi sẽ không lây truyền bệnh cho người khác, trong khi người nhiễm HIV không thể tự khỏi nên nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Những người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược... cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Cách nào để ngăn chặn

Được biết, đợt bùng phát đậu mùa khỉ năm 2022 ở hàng chục quốc gia phần lớn đã được kiểm soát bằng việc sử dụng vaccine và điều trị. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, hầu như không có vaccine hoặc phương pháp điều trị nào có sẵn ở châu Phi.

Về việc ngăn chặn căn bệnh này, cuối năm 2023, Bộ Y tế đã có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước, đề nghị đẩy mạnh hoạt động giám sát chủ động và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh, sự kiện tại cộng đồng, các cửa khẩu và lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Việc giám sát nhằm phát hiện ca bệnh kịp thời để tư vấn, chăm sóc, điều trị. Khi phát hiện ca bệnh, các địa phương cần quản lý bệnh nhân và người tiếp xúc để không lây nhiễm thêm và lây lan ra cộng đồng. Người bệnh và bạn tình được tư vấn xét nghiệm HIV, trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur hoặc Vệ sinh dịch tễ khu vực. Người dân được khuyến cáo đến viện khám hoặc thông báo cơ quan y tế khi có dấu hiệu bệnh.

Theo Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị chung của bệnh đậu mùa khỉ là giám sát và cách ly, chủ yếu điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải và hỗ trợ tâm lý, dùng thuốc đặc hiệu với nhóm nguy cơ cao và theo dõi dấu hiệu chuyển nặng hoặc biến chứng. Ở thể nhẹ, người bệnh được điều trị hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; theo dõi các biến chứng như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Bệnh nhân nặng điều trị ở khoa hồi sức, dùng các thuốc đặc hiệu như: tecovirimat, cidofovir, brincidofovir, globulin miễn dịch (còn gọi là huyết thanh).

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh…

WHO từng tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu năm 2022, sau khi bệnh lây lan sang hơn 70 quốc gia. Các nước phát triển đã có vaccine hiệu quả ngăn ngừa căn bệnh, nhưng những nước thu nhập thấp không thể tiếp cận nguồn cung một cách đầy đủ, khiến căn bệnh khó được xóa bỏ hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng với bệnh đậu mùa khỉ