Thời gian gần đây, thời tiết miền Bắc luôn trong tình trạng rét đậm, rét hại, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp gia tăng đột biến.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm thời tiết trở lạnh, giao mùa cũng là lúc tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển mạnh. Theo đó, sự thay đổi và chênh lệch đột ngột của độ ẩm không khí khiến cơ thể chưa kịp thích ứng. Bên cạnh đó, đây cũng là tác nhân khiến nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp.
Theo số liệu tại Bệnh viện Phổi Trung ương, số ca nhập viện điều trị trong đợt lạnh gần đây tăng cao đột biến, có thời điểm lên đến 130%. Trong đó, nhiều người già, người cao tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), giãn phế quản, hen phế quản...
Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, không chỉ riêng Bệnh viện Phổi Trung ương, tại nhiều bệnh viện khác số bệnh nhân nhập viện liên quan đến bệnh hô hấp đều tăng. Tại khoa Bệnh phổi mãn tính, số lượng bệnh nhân tới khám tăng rõ rệt do sự liên quan mật thiết với các yếu tố môi trường. Riêng trong tháng vừa qua, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú lại khoa đã tăng lên 130%.
“Do khi chúng ta hít thở, phổi là cơ quan trực tiếp thông thương với môi trường bên ngoài nên tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Riêng với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, suy giảm miễn dịch)… phổi càng dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là trong thời tiết giá lạnh. Hầu hết trường hợp tới khám và phải nằm điều trị nội trú tại khoa đều nặng, nguy kịch, chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em”, bác sĩ cho hay.
Bác sĩ cho biết thêm, tại bệnh viện Phổi Trung ương cũng đã ghi nhận tình trạng tử vong do bệnh viêm đường hô hấp. Bên cạnh đó, các bệnh nhân tại khoa Bệnh phổi mạn tính nhẹ thì thở oxy, nặng phải thở máy. Đa số bệnh nhân thoát đợt viêm cấp, được ra viện sau đợt điều trị, nhưng có những bệnh nhân nặng phải đặt nội khí quản. Đặc biệt, hiện khoa có 55 giường bệnh lúc nào cũng kín giường, thời điểm từ tháng 11 đến nay số bệnh nhân nặng tăng rõ rệt.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp trong mùa lạnh, có những biện pháp đặc hiệu và không đặc hiệu. Với các trường hợp có bệnh lý nền cần phải quản lý bệnh tốt, theo sát chuyên khoa.
Tuy nhiên để chủ động phòng bệnh, người dân cần thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao sức đề kháng. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng người cao tuổi thời điểm giao mùa, thời tiết trở lạnh. Theo đó, phải bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn uống và ngủ nghỉ khoa học.
Với trẻ nhỏ, cần chú ý hơn vào thời điểm ban đêm, tránh để trẻ nhiễm lạnh dễ gây viêm phổi.
Cần chú ý giữ ấm khi ra đường, đeo khẩu trang để hạn chế tối đa tác nhân gây bệnh, tránh bị nhiễm lạnh.
Đặc biệt, khi có các triệu chứng liên quan đến bệnh đường hô hấp, tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại kháng sinh khi không rõ nguyên nhân gây bệnh là do virus hay vi khuẩn...