Nhiều khóa luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và bán đề thi do các đơn vị tổ chức đang rầm rộ quảng cáo trên mạng thu hút sự quan tâm của các thí sinh.
Lê Lan Anh - học sinh lớp 12 (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết em đã đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội ngay sau Tết. Ngay từ hè em đã bắt đầu tìm kiếm tài liệu luyện thi từ các nguồn trên mạng và các anh chị khóa trước truyền kinh nghiệm thi. Tuy nhiên, do vẫn lo chưa bao quát được hết kiến thức nên em đã gọi điện đến một số trung tâm để hỏi về các khóa luyện thi. Sau đó, do không sắp xếp được thời gian để học vì đã kín lịch học thêm nên em quyết định hỏi mua bộ đề tự luyện với giá 500 nghìn đồng. “Rất nhiều mức giá khác nhau mà đơn vị nào cũng nói là sát với bộ đề thi thật nhất. em khá hoang mang nên cũng chọn mua một bộ vừa tầm với ý nghĩa tham khảo là chính” - Lan Anh bày tỏ.
Theo phản ánh, học sinh lớp 12, thậm chí lớp 11 cũng nhận được nhiều tin nhắn điện thoại, qua mạng xã hội mời chào các khóa luyện thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức với rất nhiều lựa chọn khác nhau khiến người học như rơi vào mê hồn trận. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, hiện có nhiều cá nhân, tổ chức luyện thi đánh giá năng lực dựa vào cấu trúc bài thi trong đề thi mẫu của các đại học công bố để xây dựng các đề thi cho học sinh. Những bài thi này chưa được kiểm chứng, do đó có khả năng sai.
Khẳng định việc tham gia luyện thi có thể giúp thí sinh tự tin hơn, có kỹ năng làm bài tốt hơn nhưng đối với luyện thi đánh giá năng lực, thí sinh cần hết sức cẩn trọng bởi đây không phải là kỳ thi để kiểm tra kiến thức đơn thuần và cũng không có chuyện học tủ, học “gạo” một số câu mà “trúng” được do ngân hàng đề thi rất lớn và liên tục được cập nhật, đổi mới để tránh lặp lại. "ĐHQG TPHCM không có trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nào. Tất cả thông tin quảng cáo luyện thi trên mạng là do các tổ chức, cá nhân khác thực hiện không phải của hai đại học quốc gia" - ông Chính khẳng định.
Theo ông Chính, để đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực thì bản thân thí sinh phải có năng lực tốt. Năng lực tốt là kết quả của cả quá trình dài, cách học trong khoảng thời gian dài. Ghi nhận những thủ khoa từ các kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐHQG những năm qua đều có cách học nhẹ nhàng, không học tủ, học lệch.
Do lượng kiến thức của đề thi đánh giá năng lực sẽ không có giới hạn riêng của lớp 10, 11, 12 mà là bao phủ hết 3 khối lớp và có mở rộng đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu, hiểu đúng bản chất nên việc học tủ, học lệch sẽ khó để đạt điểm cao, nhất là khi những câu hỏi có sự giao thoa về mặt kiến thức giữa các môn. Cần vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết nhiều tình huống trong đề thi nên thí sinh cần ôn tập kỹ kiến thức trong chương trình và liên hệ với thực tế để hiểu rõ vấn đề.
Trước đó, ĐHQG Hà Nội từng phát đi cảnh báo về việc trên mạng xuất hiện một số trang web, mạng xã hội với thông báo luyện thi bộ đề Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. Đây hoàn toàn là các thông tin giả mạo. ĐHQG Hà Nội chỉ công bố thông tin hướng dẫn liên quan đến kỳ thi Đánh giá năng lực duy nhất trên website của ĐHQG Hà Nội. Các thí sinh cần lưu ý các thông tin này để không bị lừa gạt và tốn kém thời gian, tiền bạc. Thí sinh có thể làm quen với phương thức thi bằng cách tham khảo Bài thi mẫu của ĐHQG Hà Nội trên website công khai của trường.
Theo kinh nghiệm của nhiều thủ khoa các năm trước, trước khi tham gia kỳ thi 1 tháng, học sinh nên bắt đầu luyện đề liên tục để làm quen với dạng đề và kiểm soát tốc độ, rèn luyện tư duy cho bài thi sắp đến. Về nguồn tài liệu, các sĩ tử cần tìm kiếm nguồn đề chính thống từ các trang uy tín để ôn tập và luyện đề hiệu quả, tránh ôn tập lan man không đúng trọng tâm gây ra việc lãng phí thời gian.