Đây là nhấn mạnh của ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tại cuộc họp triển khai “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở TP Cần Thơ ngày 8/11.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ thông tin, sắp tới Cần Thơ sẽ có hội thảo bàn về việc làm thế nào bán hàng nhanh nhất, nhiều nhất, rẻ nhất, bán hàng theo hình thức thương mại điện tử.
Đây là cách đưa doanh nghiệp Việt Nam, đưa thương hiệu của mình đi khắp nơi mà không tốn tiền không tốn người, trong khi đó lại quản lý được về giá cả và số lượng.
Theo bà Thuận, hiện các cửa hàng sản phẩm sạch ở Cần Thơ đang gặp vấn đề về giá cả và địa điểm bán, chưa phù hợp.
Bà Thuận đưa ra dẫn chứng cụ thể: Tại chợ Tân An của quận Ninh Kiều, nhiều cửa hàng bán sản phẩm sạch và hàng Việt Nam, nhưng tôi quan sát thấy các sản phẩm không được tươi, không được bắt mắt so với các sản phẩm bày bán ở chợ truyền thống.
Nếu chúng ta cứ bán hàng theo “kiểu nhà nước” thì không bao giờ bán được đâu. Vì vậy cần phải coi lại những điểm bán rau sạch cho phù hợp với người tiêu dùng như thế người ta mới có thể mua được.
Cần Thơ hiện đang thiếu một khu trưng bày hàng hóa tập trung để phục vụ cho khách du lịch, họ có thể vừa xem sản phẩm chất lượng lại vừa mua được với giá chất lượng – bà Thuận nói.
Thương nhiệu gạo Cần Thơ được ưa chuộng.
Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiệu quả hơn, đơn vị tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh, thành lân cận.
Ông Trứ cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới, đảm bảo hàng hóa trên thị trường được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng trữ hàng, tăng giá đột biết, các hàng hóa kém chất lượng có mặt trên thị trường làm ảnh hưởng đến hàng hóa Việt Nam. Chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp để hàng hóa ngày của các doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng chất lượng hơn.”.
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, Sở đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố cùng các cơ quan liên quan tổ chức 5 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu dân cư.
Mỗi phiên chợ có hơn 30 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tham gia, đón trên 40.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm với tổng doanh số các phiên chợ hơn 700 triệu đồng.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng đã vận động và hỗ trợ 5 doanh nghiệp tổ chức 23 đợt bán hàng lưu động, doanh số bán ra hơn 1,25 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Công thương, qua kiểm tra, khảo sát, hàng hóa lưu thông tại 107 chợ truyền thống, 18 siêu thị, trung tâm thương mại ước khoảng trên 85% là hàng Việt Nam gồm: hàng may mặc, hàng gia dụng, lương thực, hàng công nghiệp thực phẩm, thực phẩm tươi sống hoặc được chế biến đóng gói, hàng nông sản rau – củ - quả, v.v... Riêng tại các siêu thị chuyên doanh điện máy hàng Việt Nam chiếm khoảng 75%.
Đánh giá về kết quả thực hiện hàng Việt 10 tháng đầu năm 2017, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: Công tác phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt chuỗi cửa hàng đã được nhân rộng, (hiện có khoảng 50 cửa hàng – PV). Qua theo dõi hiện nay, xu hướng sử dụng hàng Việt đang được thay đổi theo cách tiêu dùng ở khu dân cư…
Tuy nhiên ông Trương Quang Hoài Nam cũng chỉ ra những hạn chế, trong thực hiện cuộc vận động, chưa quyết liệt, tâm sức bỏ ra hỗ trợ cho hàng Việt chưa lớn. Công tác tuyên truyền còn rời rạc, kết quả chưa rõ ràng, chưa thúc đẩy doanh nghiệp tham gia, phần lớn doanh nghiệp tự bươn chải và phân phối hàng hoá.
Sự liên kết giữa các sở ngành trong thực hiện Cuộc vận động còn rời rạc, sự kết nối chưa thống nhất được hành động. Phương pháp cách làm chưa có chuyển biến lớn. Công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả có tiến bộ, tuy nhiên kết quả đấu tranh còn hạn chế
Về hướng sắp tới, ông Nam yêu cầu các Sở ngành, các địa phương và cán bộ thực hiện Cuộc vận động cần phải với tâm thế tự hào hàng Việt.
Nếu không có tâm thế này, tình cảm này với hàng Việt thì khó làm lắm. Phát triển được một sản phẩm của địa phương mình mà cảm thấy tự hào vui mừng thì lúc đó mới thực sự là tham gia vào Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cần xác định hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn vì các doanh nghiệp này đang sản xuất ra những sản phẩm là đặc thù của địa phương. Tăng cường công tác đào tạo cho doanh nghiệp, đặc biệt chú ý tới phát triển thương mại điện tử.
Xây dựng chương trình thực hiện Cuộc vận động phải rõ nét, phải đặt mục tiêu rõ ràng. Phương pháp cách làm phải tính lại, phải đột phá về phương pháp. Nếu chúng ta không chống được buôn lậu, hàng giả thì không bao giờ phát triển được…