Ngày 13/11, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết về “Danh mục dự án thu hồi đất; danh mục dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2016 trên địa bàn thuộc thẩm quyền của HĐND TP”.
Không lý gì lấy rừng phòng hộ xây trụ sở
Theo NQ 06 của HĐND TP danh mục công trình dự án thu hồi đát năm 2015 trên toàn TP là 565 dự án với diện tích 1.375 ha. Các dự án, công trình chuyển mục đích đất lúa, đất rừng phòng hộ là 300 dự án với diện tích 575 ha.
Từ đầu năm 2015 đến nay UBND TP đã có quyết định thu hồi đất 306 dự án với diện tích là 822 ha. Dự kiến đến hết năm 2015 thực hiện 350 dự án với diện tích đất thu hồi khoảng 1.072 ha.
Cùng với đó số dự án chuyển đổi mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ, rằng đặc dụng là 160 dự án diện tích thu hồi đất là 157 ha, đến hết năm 2015 thực hiện 185 dự án với diện tích chuyển đổi khoảng 240 ha
Đại diện Sở tài nguyên Môi trường TP Hà Nội cho biết, nguồn thu từ đất năm 2015 đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều công trình dự án phải ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện.
Nhiều chủ đầu tư mặc dù đã có dự án, chủ trương đầu tư được phê duyết nhưng chưa cân đối đủ nguồn kinh phí để triển khai thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo danh mục đã được HĐND TP phê duyệt.
Quang cảnh hội nghị.
Năm 2016, UBND TP trình HĐND TP quyết nghị bổ sung danh mục dự án thu hồi đất 95 dự án với diện tích 413 ha; danh mục dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa 38 dự án với diện tích hơn 92 ha. Cùng với đó thông qua 720 công trình, dự án thu hồi đất với diện tích 1.776 ha và 462 công trình, dự án chuyển đổi mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ với diện tích 946 ha.
Theo ông Chu Văn Chuẩn - Nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tây, năm 2015 số dự án thu hồi của TP mới chỉ đạt gần 50% kế hoạch trong khi đó năm 2016 số danh mục là 720 công trình, dự án với diện tích là 1.776 ha là con số quá cao. Từ thực tế trên ông Chuẩn đề nghị việc khai thác nguồn tài nguyên đất đai phải được thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an toàn đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quốc gia.
Đối với việc thu hồi chuyển đổi mục đính đất trồng lúa, đất rừng, ông Chuẩn cho rằng đối với việc bồi thường của những dự án ngoài ngân sách, thu hồi đất cho doanh nghiệp, tư nhân phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.
Góp ý về các dự án công trình chuyển mục đích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Nguyên hiệu trưởng trường Đại học xây dựng cho rằng trong danh sách năm 2016 huyện Sóc Sơn có 7 dự án chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ với diện tích hơn 43 ha. Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước. Hiện nay tỷ lệ rừng của TP đang còn rất ít do việc khai thác chuyển đổi mục đích khá nhanh.
“Không có lý do gì để lấy đất rừng để triển khai các dự án làm trụ sở Ban chỉ huy quân sự huyện, khu du lịch sinh thái. Nếu mỗi năm chúng ta xén một ít thì làm gì còn rừng. TP cần cho tiến hành việc đánh giá tác động môi trường của các dự án tránh việc lấy đất là cơ hội để phá rừng”, GS Phạm Ngọc Đăng góp ý.
Hạn chế cấp đất cho các dự án thương mại, nhà ở
Nguyên Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Phạm Xuân Hằng cho rằng dự thảo Nghị quyết cần làm rõ việc thu hồi sử dụng đất lúa, đất rừng làm gì. Cần làm rõ vấn đề này để đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ đất rừng nếu không sau năm 2020 TP sẽ không còn đất để sử dụng.
Ông Hằng cũng cho rằng dự thảo Nghị quyết cần làm rõ có bao nhiêu dự án, bao nhiêu đất phải đền bù cho dân, tính khả thi đến đâu. Phải đảm bảo tính thỏa đáng trong đền bù người dân, đảm bảo tái định cư để tránh tình trạng phức tạp trong khiếu kiện khi quyền lợi của người dân không được đảm bảo.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng:
Cần cho tiến hành việc đánh giá tác động môi trường của các dự án
tránh việc lấy đất là cơ hội để phá rừng.
Chủ nhiệm HĐTV dân chủ pháp luật - UBMTTQ TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo nêu vấn đề, trong danh mục các dự án thu hồi đất có nhiều dự án ngoài ngân sách sử dụng vào mục đích thương mai, xây dựng nhà ở, văn phòng đã được phê duyệt từ lâu chưa thực hiện nhưng lại tiếp tục được đưa vào trong năm tới.
“Nhiều công trình dự án xí phần để đấy khiến dân phản ứng, bức xúc, TP cần có giải pháp xử lý với các chủ đầu tư không đủ năng lực, vốn trong triển khai các dự án.” Ông Thảo đề nghị
Trao đổi với các ý kiến về về việc cấp đất tràn lan cho các dự án trong khi dự án không khả thi, ông Nguyễn Minh Mười – PGĐ Sở tài nguyên môi trường TP thừa nhận việc thu hồi là thực tế rất khó khăn vì đất nông nghiệp đã thu hồi được san lấp thì không trồng cấy được. Trong thời gian tới chủ trương của TP là việc thu hồi sử đất để phục vụ các công trình thiết yếu, công cộng phục vụ dân sinh hạn chế tối đa các dự án thương mại, nhà ở…