Hình thức bán lẻ xăng dầu bằng trụ bơm lắc tay, cây xăng mini, cột bơm xăng di động… bị cấm. Tuy nhiên, những hình thức này vẫn xuất hiện nhiều, không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Theo quy định của pháp luật, việc kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, địa điểm kinh doanh xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm xây dựng. Thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu theo quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành như: Yêu cầu về thiết kế cửa hàng xăng dầu; các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình cấp xăng dầu, khí đốt; an toàn cháy các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình. Trong quá trình hoạt động, cơ sở kinh doanh xăng dầu phải duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả các khu dân cư, xã, thị trấn thuộc địa bàn các quận, huyện của TP Hà Nội vẫn còn tồn tại không ít “cây xăng mini”, các dạng “cây xăng” trên biển hiệu không có thông tin về “Giấy phép kinh doanh”, xung quanh cây xăng không có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Qua quan sát thực tế cũng dễ dàng nhận thấy những “cây xăng” này tồn tại bất tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo quy định của pháp luật đối với “mặt hàng kinh doanh có điều kiện” này. Hàng loạt vấn đề đặt ra là điều kiện về phòng cháy, chữa cháy đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu được thực hiện như thế nào; tại sao những cửa hàng kinh doanh xăng dầu như vậy vẫn còn tồn tại mà không bị các cơ quan chức năng “phát hiện”, xử lý và dẹp bỏ.
Qua khảo sát cho thấy, chỉ trên địa bàn huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn của TP Hà Nội hiện nay cũng có đến hàng chục các “trạm xăng” với những dấu hiệu vi phạm nhưng vẫn tồn tại. Đơn cử như tại khu vực trung tâm huyện Sóc Sơn, chỉ trên một quãng đường ước chừng vài cây số từ trung tâm thị trấn Sóc Sơn đi qua xã Tân Minh đến xã Bắc Phú đã có tới 5 điểm bán xăng có dấu hiệu vi phạm. Theo quan sát, tại mỗi điểm này chỉ có 2 cột bơm được gắn bánh xe hoặc kê cố định, bán duy nhất 1 loại xăng và 1 loại dầu. Tại các điểm bơm này không đáp ứng đủ những thông tin theo quy định trong việc kinh doanh và các tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn theo quy định, quy chuẩn. Điều đáng nói, những “cây xăng” này đã tồn tại từ lâu.
Thông tin về vấn đề trên, ông Tô Cẩm Tú, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 10 (thuộc khu vực huyện Mê Linh - Sóc Sơn) cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm. Những vi phạm này ngoài phạt hành chính còn bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, ông Tú cũng lý giải lý do chưa nắm bắt được là vì mới phụ trách địa bàn và do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tập trung cho công tác phòng, chống dịch và ưu tiên xử lý những vi phạm liên quan khác.
Điều 35 của Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí”: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Hành vi “Kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép” được quy định tại Điều 31 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.