Cần xử nghiêm việc xe đạp đua với 'tử thần'

Lê Khánh 21/09/2022 15:40

Thời gian qua, tình trạng đoàn xe đạp dàn hàng di chuyển trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài, khiến nhiều tài xế bức xúc. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý những trường hợp trên cần phải quyết liệt, mạnh tay hơn nữa để chấm dứt tình trạng trên.

Hiểm họa khôn lường

Dù có cắm biển cấm các phương tiện cấm người đi bộ, xe súc vật kéo, các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài. Vì tuyến đường này được thiết kế dành riêng cho ô tô lưu thông với tốc độ từ 80 – 90 km/h.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài nhiều đoàn người điều khiển xe đạp ngó lơ biển cấm, dàn thành hàng đi vào làn đường dành riêng cho ô tô với tốc độ rất cao, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện khác.

Bên cạnh đó, những đoàn xe đạp này thường có hàng chục người di chuyển với tốc độ cao, bất chấp nguy hiểm dù bên cạnh là xe ô tô, xe tải, xe container… chạy rầm rầm ngay bên cạnh.

Hàng đoàn xe đạp đi vào làn tốc độ cao trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp - sân bay Nội Bài.

Thậm chí, sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện ngay lập tức đoàn xe này tan ra như “đàn ong vỡ tổ” người thì quay đầu, người đi ngược chiều, thậm chí lao thẳng vào lực lượng chức năng để trốn thoát.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, tài xế lái xe taxi chia sẻ: “Do làm nghề lái taxi tôi thường xuyên bắt gặp các đoàn xe đi vào làn đường này. Có những hôm 5h sáng tôi phải ra sân bay Nội Bài để đón khách, trời còn khá tối mà bắt gặp hàng đoàn xe đạp di chuyển vào tuyến đường này với tốc độ rất cao khiến bản thân tôi không khỏi “lạnh gáy”.

Theo anh Tuấn, do đoàn xe đạp này di chuyển thường khá sớm trời chưa sáng hẳn trong khi tuyến đường này có rất nhiều đường cong, cầu vượt khiến tầm nhìn bị hẹp nhiều lúc đoàn xe phi ra cũng cảm thấy giật mình. Chỉ cần một sự cố không may thôi thì không biết hậu quả nghiêm trọng đến nhường nào.

Đồng quan điểm, tài xế Nguyễn Thế Hưng chia sẻ: “Tôi rất bức xúc khi hàng đoàn xe ngang nhiên di chuyển trong tuyến đường này, nhiều hôm tôi phải phanh gấp vì bất ngờ bắt gặp hàng chục người đi xe đạp ở phía trước. Không chỉ vậy, mà ngay sát đại lộ Võ Nguyên Giáp cũng có đường gom rất đẹp và vắng xe nhưng nhiều người vẫn cố tình đi vào làn đường này”.

Theo anh Hưng, việc đoàn xe đi vào làn tốc độ cao trên tuyến đường này là hành động nguy hiểm, đe dọa tính mạng của bản thân và người khác.

Đại úy Đỗ Văn Thắng – cán bộ đội CSGT số 15 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên thành lập các tổ công tác tiến hành đón lõng, xử phạt hành vi cố tình đi vào đường chỉ dành riêng cho ô tô. Trên thực tế, nhiều trường hợp đã bị xử phạt”.

Cần xử nghiêm, phạt nặng

Theo Đại úy Đỗ Văn Thắng, việc xử lý xe đạp đi vào đường dành riêng cho ô tô trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp cũng gặp một số khó khăn khi một người bị bắt sẽ thông báo lên các hội nhóm qua mạng xã hội để chuyển hành trình di chuyển. Nhiều trường hợp khi thấy lực lượng chức năng quay đầu bỏ chạy hoặc lao thẳng về phía lực lượng chức năng.

“Việc quay đầu bỏ chạy trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp hết sức nguy hiểm vì ô tô tại đây chạy tốc độ cao. Những chiếc xe đạp của người vi phạm cũng thường rất nhẹ nên việc mang vác, bỏ chạy dễ dàng. Để đảm bảo an toàn giao thông, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên tuyến đường này” – Đại úy Đỗ Văn Thắng thông tin.

Sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện hàng đoàn xe quay đầu mặc cho ô tô, xe tải, container... đang chạy với tốc độ cao.

Theo chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho biết, một số cá nhân ý thức kém, không có văn hóa tham gia giao thông khi cố tình đi xe đạp vào đường chỉ dành riêng cho ô tô. Hành vi này không những gây mất an toàn giao thông cho bản thân mà còn gây nguy hiểm đến các phương tiện khác. Trên thực tế đã có không ít trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng khi đi xe đạp vào đường cao tốc, đường dành riêng cho ô tô.

“Với mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng như hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Cần có những chế tài mạnh tay hơn nữa như: Tạm giữ phương tiện, tăng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp cố tình vi phạm gây tai nạn giao thông” - Thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết, đường sá và kết cấu hạ tầng hiện nay chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân đạp xe. Việt Nam chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp như các quốc gia khác trên thế giới. Mặt cắt đường còn hẹp, chỉ từ 7 - 11 m, khiến xe đạp không thể "bon chen", trong khi mật độ xe máy lớn. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chúng ta cho phép mình có hành vi vi phạm pháp luật.

“Đạp xe nâng cao sức khỏe là hoạt động khuyến khích nhưng người dân phải chọn địa điểm an toàn và thích hợp. Nếu các "cua rơ" biến đường cao tốc thành "đường tập" thì việc đạp xe không những vô tình trở thành một "bộ môn thể thao mạo hiểm" mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe của chính bản thân mình, gây tội vạ cho người tham gia giao thông khác.

Mức xử phạt hành chính nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này tiếp diễn nhiều năm qua. Cơ quan chức năng cần xem xét tăng mức phạt, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát để xử lý triệt để”- Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần xử nghiêm việc xe đạp đua với 'tử thần'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO