Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến đấu để gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc. Trong những cuộc chiến đấu đó, nhiều người đã anh dũng hy sinh, hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường… Qua những mất mát, đau thương, chúng ta càng thấm thía cái giá của hòa bình, độc lập dân tộc…
Trong buổi về thăm, tặng quà các thương binh nặng đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam) hôm 19/7, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã rất nỗ lực, ngày càng có thêm nhiều chính sách nhằm tri ân, đền đáp công lao, sự hy sinh, mất mát của các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và các nạn nhân chiến tranh khác. Các hoạt động này vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới… Điều đó thể hiện đạo lý của người Việt “Uống nước nhớ nguồn, “Ăn quả nhớ người trồng cây”…
1.Một lần, khi về quê ở huyện Nam Trực (Nam Định), tham gia một sinh hoạt tập thể của xóm làng, nhìn những người thân, xóm giềng của mình tôi lặng người khi nhận ra rất nhiều người trong đó là thân nhân của những liệt sĩ - nạn nhân trực tiếp từ những cuộc chiến.
Đây, bà Vinh, vợ liệt sĩ. Năm 1978, khi bà đang mang thai con gái thứ hai thì ông Trần Văn Thiêm, chồng bà nhập ngũ, vào chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và hy sinh tại đó.
Đây, bà Thử, vợ liệt sĩ. Năm xưa, chồng bà là ông Nguyễn Văn Thử nhập ngũ vào Nam, chiến đấu, hy sinh, để lại ở miền Bắc vợ và hai con nhỏ. Vài năm gần đây gia đình mới tìm được mộ của ông theo phương pháp ngoại cảm.
Đây, ông Miền, người không có ai khác cùng họ ở làng, tính tình hơi “không bình thường” nhưng trong nhiều năm qua vẫn thường đến giúp các gia đình trong làng khi có “công to, việc lớn” là con liệt sĩ. Cha ông là Huỳnh Văn Khớ, một người lính miền Nam năm xưa tập kết, chiến đấu và hy sinh ở miền Bắc.
Đây, bà cụ Tịnh, một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (đã mất). Trong kháng chiến chống Mỹ, bà đã lần lượt tiễn đưa hai người con trai là Vũ Văn Ba, Vũ Văn Tư vào Nam chiến đấu, rồi cả hai ông cùng lần lượt hy sinh.
Và kia, những thân nhân của các liệt sĩ Trần Văn Ước, Vũ Văn Chương, Nguyễn Văn Nùng - những người đã “ra đi từ mái tranh nghèo” để rồi sau đó “dòng tên anh khắc vào đá núi/mây ngàn hóa bóng cây che”.
Còn đây, ông Bản, người có giọng nói ồm ồm là một thương binh. Một cánh tay của ông năm xưa bị trúng đạn giờ vẫn còn khòng khòng…
Nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”
Tới thăm, tặng quà cán bộ, nhân viên và thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo người có công với cách mạng, thể hiện trách nhiệm, sự ghi nhận, tôn vinh, tri ân sâu sắc với những mất mát, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và người có công trên cả nước, thực hiện tốt đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm phát triển sâu rộng, nâng cao chất lượng các phong trào, chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống”.
Nhưng đâu chỉ có một xóm làng ở Nam Định như vậy. Trên khắp đất nước của chúng ta, có thôn làng, khu phố nào không có gia đình có bàn thờ Anh hùng Liệt sĩ, không có những thương binh, bệnh binh hay những người đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường?
Nghĩa trang nhân dân, đền đài liệt sĩ có ở khắp nơi. Đi liền với đó là cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Có những người như bà mẹ Nguyễn Thị Thứ ở tỉnh Quảng Nam mất đi đến 11 người thân, bà mẹ ở huyện Hưng Hà - Thái Bình, nguyên mẫu trong bài hát “Đất nước” thì “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Rất nhiều người lính ngã xuống, hy sinh đến nay vẫn còn nằm khuất lấp đâu đó nơi núi rừng, biên cương, hải đảo…
Mất mát, đau thương là quá lớn, hy sinh là quá nhiều và không thể bù đắp nhưng những giá trị đất nước, dân tộc giành lại được cũng thật lớn lao, vĩ đại, đó là độc lập, là hòa bình, là tự do, là non sông nối liền một dải - những giá trị tưởng như hiển nhiên có nhưng như đã thấy, trong suốt chiều dài lịch sử đất nước ta, dân tộc ta đã nhiều lần bị tước đoạt.
Trong môi trường độc lập, hòa bình, tự do, non sông nối liền một dải ấy, như đã thấy dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước, dân tộc đã từng bước vươn lên từ đau thương, đổ nát sau các cuộc chiến tranh vệ quốc, đang ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn, căn dặn. Đặc biệt, thực hiện công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, đất nước đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới rộng lớn, trên hết là đời sống vật chất, tinh thần của số đông người dân đã ngày càng đủ đầy…
Đi liền các hoạt động xây dựng, phát triển đất nước, có một “dòng chảy” khác luôn âm thầm chuyển động trong đời sống xã hội từ nhiều năm qua, đó là các hoạt động tưởng nhớ, tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với những người, những gia đình đã phải gánh chịu những hy sinh, mất mát trong chiến tranh.
Theo đó, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã và đang ngày càng có thêm nhiều chủ trương, chính sách, hoạt động cụ thể hơn, thiết thực hơn, hướng tới mục tiêu chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho những người có công, đặc biệt là đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Trong đó có những chính sách rất thiết thực như trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ Bảo hiểm y tế, chế độ điều trị, an dưỡng, hỗ trợ nhà ở, tạo các điều kiện thuận lợi về học hành, việc làm cho con em, thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, tết, thiết thực bù đắp phần nào những đau thương.
Chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, nhiều năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp cũng đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ, giúp đỡ gia đình những người có công, nạn nhân của chiến tranh bằng tất cả tinh thần tự nguyện, tự giác. Đó có thể là một căn nhà được dựng lên từ những ngày công do công nhân, viên chức, người lao động quyên góp, do doanh nghiệp trích từ nguồn lợi nhuận, quỹ an sinh; là việc nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, là những suất học bổng, tạo công ăn việc làm cho con em gia đình chính sách từ những cá nhân, tổ chức không nêu tên…
2.Không thể kể hết những gì Đảng, Nhà nước, nhân dân, xã hội đã làm để tri ân, bù đắp nhưng như chia sẻ của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến mới đây khi ông về thăm các thương binh nặng đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam): Những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã rất nỗ lực, ngày càng có thêm nhiều chính sách nhằm tri ân, đền đáp công lao, sự hy sinh, mất mát của các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và các nạn nhân chiến tranh khác… Các hoạt động này vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới…
Và, trên thực tế, dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, vì cả những lý do khách quan lẫn chủ quan việc xác định, giải quyết chế độ, chính sách cho một số người cụ thể vẫn đang tồn tại những khó khăn, vướng mắc, chậm trễ, thiếu sót hoặc sai lệch.
Đó đây, tỉnh này, huyện khác, xã kia vẫn còn những người, những gia đình phải vất vả đi lại, đơn từ kiến nghị cơ quan công quyền xem xét, giải quyết chế độ, chính sách cho mình rồi mỏi mòn chờ đợi. Điều này cho thấy, hệ thống thực thi chính sách từ Trung ương đến các địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm với tinh thần trách nhiệm hơn, nỗ lực hơn, khoa học hơn, công tâm hơn để một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là tri ân, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách đến được những địa chỉ cần đến.
Đã từ lâu, tháng bảy được xem là tháng hội tụ những hoạt động tri ân, sẻ chia, tháng lòng người Việt rung lên xúc cảm nghẹn ngào khi nhớ về một thời đạn bom, đau thương, mất mát để rồi thấy trân trọng hơn giá trị của hòa bình hôm nay.
Khẩn trương hơn nữa việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Tới thăm, tặng quà các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động nói: “Trong những năm tháng cam go của các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, lớp lớp các thế hệ thanh niên đã gác lại tuổi thanh xuân, hăng hái lên đường đi đánh giặc để bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả đó, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, để lại nỗi đau cho những người thân... Tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, huy động nguồn lực để thực hiện khẩn trương hơn nữa việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ”.