Xã hội

Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội

X.Phương 01/04/2024 07:16

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi cảnh báo một số hình thức lừa đảo rộ lên thời gian gần đây, người dân cần cảnh giác để phòng tránh.

anh-bai-tren(2).jpg
Người dân cần nâng cao cảnh giác từ các trang web lạ tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: H.Chiến.

Lừa đảo chiếm đoạt trong tháng cao điểm quyết toán thuế

Văn phòng Cục thuế cũng như các Chi cục thuế đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân về hành vi, thủ đoạn của đối tượng mạo danh cơ quan thuế, công chức thuế để lừa đảo như: Gọi điện thoại tự xưng là công chức của Cục thuế, Chi cục thuế đề nghị người nộp thuế đến cơ quan thuế để được gia hạn các loại thuế, làm thủ tục miễn, giảm, hưởng ưu đãi về thuế.

Thủ đoạn chính của các đối tượng là giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, đối tượng còn giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VNeID giả mạo để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo là "tích hợp căn cước công dân và mã số thuế" hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VNeID, sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VNeID giả mạo rồi từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng… Mục đích của đối tượng lừa đảo chiêu trò trên là đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, các trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc thoại trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng.

Giả danh cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Bạc Liêu liên tục nhận được phản ánh có một số đối tượng giả danh cán bộ Sở TTTT Bạc Liêu gọi điện đến một số sở, ngành, địa phương và người dân, có dấu hiệu lừa đảo.

Đối tượng giả danh liên tục gọi điện thông báo đang phối hợp với công an, nhân viên viễn thông để hù dọa, cho rằng số điện thoại của chủ thuê bao đã gọi điện hoặc tạo các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội. Thông qua đó đăng tải, phát tán thông tin chống phá Đảng, Nhà nước hoặc liên quan đến đường dây phản động, rửa tiền hoặc phát tán những thông tin chống phá chính quyền mà cơ quan chức năng đang điều tra, sẽ bị mời làm việc để xử lý. Sau khi hù dọa, đối tượng gọi tới yêu cầu chủ thuê bao đang nghe điện thoại khai báo thông tin cá nhân, hướng dẫn truy cập vào các đường link do đối tượng gửi đến để xác nhận thông tin hoặc làm việc với cơ quan chức năng, nhằm mục đích phục vụ cho việc lừa đảo.

Sở TTTT tỉnh Bạc Liêu cho biết, không có việc cán bộ, công chức thuộc Sở gọi điện thoại thông báo hoặc mời làm việc để xử lý bất cứ ai liên quan đến các vụ việc theo hình thức nêu trên. Ngoài ra, Sở TTTT là cơ quan nhà nước, nếu có mời làm việc liên quan đến cá nhân, tổ chức nào, đều phát hành văn bản chính thức hoặc cử cán bộ, công chức đến tận nơi cư trú gửi thư mời hoặc thông qua chính quyền địa phương mời làm việc trực tiếp.

Trường hợp nhận được các cuộc gọi điện thoại nghi vấn từ đối tượng, người dân nên bình tĩnh, không quá lo lắng, đồng thời tra cứu thêm thông tin, ghi âm lại cuộc gọi để làm bằng chứng báo với cơ quan chức năng.

Dẫn dụ truy cập Website lừa đảo qua wifi miễn phí

Nhiều người có thói quen hỏi mật khẩu để truy cập vào các mạng WiFi miễn phí tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi, đây cũng là những nơi ẩn chứa vô số rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin cá nhân và túi tiền của người dùng.

Mới đây, một người dùng di động đã gặp phải tình huống đáng ngờ khi kết nối vào mạng WiFi miễn phí. Cụ thể, anh Đ.H. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, khi đang lướt Facebook bằng mạng WiFi ở một quán cà phê trên phố Triệu Việt Vương (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh có ấn vào đường link website của một cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, kết quả là người dùng di động này bị dẫn đến một website lạ. Trước đó, trình duyệt đã hiện lên cảnh báo: “Trang web này không dùng kết nối bảo mật. Thông tin cá nhân của bạn, chẳng hạn như mật khẩu hoặc số thẻ tín dụng, có thể không bảo mật khi kết nối với website này”. Thế nhưng, anh H. vẫn lựa chọn “Tiếp tục truy cập website”. Ngay sau đó, từ Facebook, anh được dẫn đến một trang web lạ có đuôi “.live” thay vì cổng thông tin điện tử của cơ quan chức năng. Một thông báo cũng hiện lên cho biết nếu hoàn tất khảo sát, anh sẽ có thể nhận được chiếc iPhone 14 Pro. Cảm thấy nghi ngờ, anh không dám ấn tiếp vào link vì sợ nhiễm mã độc.

Sau khi tắt đường link và truy cập lại một lần nữa vào website cơ quan nhà nước, thông báo “trúng thưởng” vẫn tiếp tục hiện lên. Tuy nhiên, sau khi ngắt truy cập WiFi free, sử dụng mạng 4G thì mọi thứ trở lại bình thường.

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, về bản chất, mạng quảng cáo sẽ bán cho người khác đặt banner, cửa hàng, quán cafe, khi truy cập thông tin trả về còn có thể là bài đăng về hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí là lừa đảo do các công ty bán quảng cáo trên WiFi không kiểm soát được nội dung. Vậy nên, những đường link đính kèm hoàn toàn có thể bị cài cắm mã độc.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dùng di động cần luôn cảnh giác khi truy cập các hệ thống WiFi mới, đặc biệt tại địa điểm công cộng như khách sạn, nhà hàng, quán cafe. Bởi khi đó, kết nối của người dùng sẽ phụ thuộc vào cài đặt của cơ sở cung cấp WiFi. Trong trường hợp gặp các thông tin lạ, người dùng nên bỏ qua. Đặc biệt lưu ý, chỉ thực hiện các giao dịch quan trọng trên các mạng tin tưởng như WiFi tại nhà, ở công ty hay mạng 3G/4G từ điện thoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO