Xã hội

Cảnh báo mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội

Lan Hương 15/04/2024 07:14

Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân, người lao động cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Nai cho biết, mới đây cơ quan này nhận được phản ánh từ người dân về việc bị một số đối tượng mạo danh cán bộ cơ quan BHXH và Công an yêu cầu người dân kết bạn Zalo để hướng dẫn cài đặt đồng bộ dữ liệu BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bằng lái xe.

Cụ thể, ngày 10/4/2024 chị Q. (trú tại phường Tân Mai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nộp hồ sơ nhận trợ cấp BHXH 1 lần tại BHXH tỉnh Đồng Nai, BHXH tỉnh hẹn trả kết quả vào ngày 18/4/2024. Nhưng đến buổi chiều cùng ngày, chị Q. nhận được cuộc điện thoại từ đầu số 0904685… tự xưng tên Mai công tác tại BHXH thông báo hồ sơ BHXH của chị cần phải đồng bộ dữ liệu BHXH, thẻ BHYT và bằng lái xe. Qua trao đổi, người này hỏi chị Q. có sử dụng điện thoại Android không để được hướng dẫn cài đặt, chị Q. trả lời mình sử dụng điện thoại Iphone nên hẹn chiều chồng chị đi làm về sẽ cài đặt sau. Khoảng 10 phút sau tiếp tục có số điện thoại khác có đầu số 0936049… tự xưng là Công an gọi điện thoại yêu cầu chị Q. kết bạn Zalo để được hướng dẫn cài đặt. Đến chiều lại tiếp tục có số điện thoại có đầu số 0368192… cũng xưng là Công an gọi đến nhưng chị Q. thấy lạ nên dừng lại.

Sáng hôm sau, chị Q. gọi điện thoại tới cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai (theo số điện thoại đã ghi trên Biên nhận hồ sơ) để xác minh lại thông tin. Qua kiểm tra của BHXH tỉnh, hồ sơ nhận trợ cấp BHXH một lần của chị Q. hợp lệ, hiện đang được chuyển phòng Chế độ BHXH để giải quyết và cơ quan BHXH tỉnh cũng không gọi điện thoại cho chị Q. để yêu cầu đồng bộ dữ liệu BHXH, thẻ BHYT và bằng lái xe.

“Trước thực trạng trên, BHXH Đồng Nai đã kịp thời có thông báo khuyến cáo người dân, người lao động, các đơn vị, tổ chức cần nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo nêu trên. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân, người lao động có thể báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Khi cần tư vấn, hỗ trợ, người dân, người lao động liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH trên địa bàn hoặc điện thoại tới cơ quan BHXH theo số điện thoại đã ghi trên Biên nhận hồ sơ” - ông Phạm Minh Thành - Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết.

Tình trạng lập fanpage mạo danh, tổng đài ảo để lừa đảo và chiếm dụng tiền và chế độ chính sách của người lao động đã xuất hiện ở nhiều địa phương.

Theo BHXH Việt Nam, đã có trường hợp người lao động bị lừa đảo mất 100 triệu đồng vì giao dịch trên các trang fanpage giả mạo BHXH Việt Nam. Đó là trường hợp chị N.T.V. (trú tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn V.” để bình luận vào một bài viết trên fanpage Facebook có tên “Bảo hiểm xã hội” để nhờ hướng dẫn thủ tục rút tiền BHXH trước thời hạn. Chị V. đã được hướng dẫn liên hệ trực tiếp với bộ phận tiếp nhận hồ sơ có tên Facebook là Nhàn Thanh. Để rút được số tiền này trong ngày, chị V. được Nhàn Thanh yêu cầu tạm chuyển 109 triệu đồng, chị V. làm theo, nhưng tiền BHXH không rút được, tiền chuyển đi thì mất hút và cũng không liên lạc được với Nhàn Thanh nên đã trình báo vụ việc với cơ quan Công an.

Theo cảnh báo của BHXH Việt Nam, thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng BHXH trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó sẽ giúp người lao động làm thủ tục giải ngân trong 2 ngày và lấy phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền người lao động nhận được, nhưng số tiền này phải thanh toán trước. Tuy nhiên, khi đã chuyển tiền cho các đối tượng này, người lao động không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào và bị chiếm đoạt số tiền dịch vụ 5% đã thanh toán trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO