Tuy mới bước vào mùa nghỉ hè, nhưng tại miền Trung – Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ đuối nước, cướp đi nhiều sinh mạng của trẻ em.
Trò chơi nhảy kênh tắm nước vô cùng nguy hiểm
Báo động liên tiếp chết vì đuối nước
Mới đây chiều 1-6, tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đã xảy ra vụ đuối nước, cướp đi 2 mạng người. Theo đó, một nhóm 5 thiếu niên rủ nhau ra bãi biển Thống Nhất của địa phương để tắm và bị cuốn vào vùng nước xoáy. Cho dù lực lượng cứu hộ đã phát hiện và cứu được 3 người, nhưng 2 em Lê Văn Kiện, Nguyễn Đức Khải (cùng SN 1998, do uống quá nhiều nước đã tử vong. Chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 26-5 đến 1-6), đã có 5 học sinh (HS) ở Quảng Nam chết đuối do đi tắm sông, tắm biển. Trước đó, tại xã Tiên An, huyện Tiến Phước, 2 em HS là Phan Văn Kiệt, Phan Nữ Danh, vì nắng nóng rủ nhau đi tắm sông, bị nước cuốn trôi, khi nghe tiếng kêu cứu, người dân chạy đến thì đã quá muộn. Mới đây ngày 27-5, em Doãn Đức Rô (HS lớp 12) xã Đại Phong, huyện Đại Lộc cũng chết đuối do tắm sông. Hay như tại Quảng Ngãi vào tối 30-5, em Phạm Trương Gia Phát và Nguyễn Văn Dương vừa học xong lớp 12 cũng chết đuối trong lúc tắm biển
Còn tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vào tháng 3, xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tiểu học tử vong. Đưa tổng số HS chết đuối trên địa bàn lên 8 em và toàn tỉnh có đến 35 trường hợp tử vong với nguyên nhân tương tự.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB& XH Quảng Ngãi, trong năm 2014 toàn tỉnh trên 630 trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trong đó 33 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Quảng Ngãi hiện là 1 trong 17 tỉnh, thành có trẻ em bị đuối nước cao nhất nước. Còn theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với 3.500 - 4.000 trẻ em chết đuối mỗi năm, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do chết đuối cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi ngày có không dưới 9 trẻ em bị chết đuối. Tỷ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông 26,7%.
Làm gì để hạn chế đuối nước ở trẻ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở thanh thiếu niên. Đầu tiên phải nói đến trách nhiện và nhận thức của các bậc phụ huynh. Có nhiều bậc cha mẹ rất lơ là trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ. Nhiều trẻ em, sau khi nghỉ hè, tự do ngao du sông nước đến khi cha mẹ nghe tin xấu thì đã quá muộn. Một phần do thời tiết nắng nóng, các em lại ham bơi lội trong khi chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước. Sự chủ quan của người lớn dẫn đến thiếu sự giám sát trẻ trong các dịp hè hay mùa lũ. Đáng nói nữa là sự thiếu giám sát của chính quyền đối với những công trình sau khi khai thác nhưng không chịu hoàn thổ đã để lại những hố nước sâu, trở thành những cái bẫy gây chết người,...
Được biết, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, Bộ LĐ-TB&XH đã có chương trình phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ. Thế nhưng không phải địa phương nào cũng chú trọng. Do đó để tránh sự việc đau lòng, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, giữa gia đình và nhà trường, cần xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Do đó cần quan tâm triển khai sâu rộng chương trình phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước. Các bậc phụ huynh hết sức nâng cao ý thức quản lý, giám sát, không để các em tự do tắm sông, tắm biển. Nếu chúng ta lơ là thì chắc chắn những cái chết do đuối nước sẽ tiếp tục hiện hữu.