Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Cảnh báo ngộ độc rượu

Minh Thủy 20/01/2024 08:05

Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu sử dụng bia rượu tăng. Thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gần đây liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu. Nhiều người phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Kể cả một số trường hợp bị mù mắt vì ngộ độc cồn công nghiệp methanol.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) rượu rởm thường có chứa cồn công nghiệp methanol. Người uống không thể biết được điều đó nên dẫn đến ngộ độc nặng, mù mắt, tổn thương não, hôn mê, đến bệnh viện thì đã quá muộn. Tình trạng ngộ độc methanol do uống phải rượu rởm thường diễn ra chậm và âm thầm nên đa số bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt; tỷ lệ tử vong lên tới hơn 30%. Rượu pha chế bằng cồn công nghiệp (methanol) tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm, có khi tới 7 - 8 ngày sau uống, chất này vẫn có thể tồn tại trong máu.

Kể cả uống rượu thông thường, rượu “xịn” nhưng uống quá nhiều thì cũng bị ngộ độc.

Tết càng đến gần thì hiểm họa "ma men" cũng đến theo khi mà tiêu thụ bia rượu tăng. Lợi dụng, nhiều cơ sở kinh doanh đã trà trộn, buôn bán rượu kém chất lượng, pha chế bằng cồn công nghiệp khiến nguy cơ ngộ độc rượu rất cao. Đa số các trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần. Những loại rượu này bán trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí ở trong các quán nhậu.

Dù biện hộ cách nào thì nguy cơ đến từ rượu vẫn rất lớn. Không chỉ ngộ độc, mà rượu còn khiến mất kiểm soát bản thân, dẫn đến những hành động rất đáng tiếc. Từng có việc người say rượu tự đốt nhà, tấn công gây thương tích cho người khác, kể cả có trường hợp giết người trong cơn say.

Rượu tàn phá hệ thần kinh không thuốc nào điều trị được.

Còn nhớ, sau Tết Nguyên đán năm 2017, con số thống kê được cơ quan chức năng đưa ra khiến người ta giật mình: Chỉ trong 7 ngày Tết, đã có tới gần 6.000 người phải vào viện do đánh nhau cùng gần 40.000 người bị tai nạn giao thông phải nhập viện. Trong đó, nguyên nhân đến từ rượu bia chiếm tỷ lệ lớn. Riêng với ngộ độc thực phẩm, xác định 30% có nguyên nhân từ rượu bia.

Trước tiên người sử dụng rượu bia quá đà phải tự chịu hậu quả. Tuy nhiên, nó còn có một số nguyên nhân khác. Đáng kể là việc ép nhau uống cho tới say xỉn, lấy đó như một thú vui. Từ lâu vẫn tồn tại trong một bàn tiệc ai không uống rượu thì bị người khác coi thường. Việc lạm dụng rượu bia không dừng lại ở nam giới mà còn có xu hướng lan sang nữ giới. Điển hình là trường hợp tại xã Bản Công (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), một cô gái sinh năm 2008 đã tử vong sau khi uống rượu, bị sặc phổi.

Trong khi đó, việc kiểm soát kinh doanh rượu bia có thể nói là lỏng lẻo. Một điều tra của Đại học Y tế công cộng trên gần 700 điểm bán rượu bia tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy có tới 95% điểm bán có treo quảng cáo trong cửa hàng và 93% điểm bán treo quảng cáo bên ngoài cửa hàng, 77% điểm bán treo quảng cáo cả trong lẫn ngoài. Quảng cáo rượu trên 15 độ mặc dù bị cấm, nhưng có tới 76% điểm bán có vi phạm.

Chính sự lỏng lẻo, quan niệm đơn giản trong quản lý đã dẫn đến việc lạm dụng rượu bia ở mức báo động.

Trong bối cảnh đó, việc cơ quan chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông thời gian qua đã góp phần tích cực làm chuyển biến nhận thức và hành vi. “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, ý thức đó đang dần trở thành thói quen. Tuy nhiên, từ nhận thức tới ý thức và hành động là một quá trình. Một quá trình đòi hỏi phải liên tục, bền bỉ.

Tết đến Xuân về, chén rượu lộc đầu năm không ai cấm. Nhưng cũng rất cần cảnh báo ngay từ bây giờ vì các trường hợp tai nạn, ngộ độc do lạm dụng rượu bia, uống phải rượu có chứa cồn công nghiệp methanol đã bắt đầu tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo ngộ độc rượu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO