Nhiệt độ đang ấm lên trên toàn cầu, từ thung lũng Tử thần tới Trung Đông, từ tiểu lục địa Ấn Độ tới phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, đã làm cho cuộc sống thường nhật của hàng triệu người trở nên khó khăn hơn.
Nhiệt độ tại thung lũng Tử thần ở bang California (Mỹ) vốn được mệnh danh là nơi nóng nhất trên thế giới, không ngừng tăng lên. Nhiệt độ trung bình trong mùa Hè tại đây cao hơn nhiều so với 20 năm trước. Mùa Hè 2021 là mùa hè thứ hai liên tiếp, nhiệt độ nơi đây tăng tới 54,4 độ C. Nếu được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận, đây sẽ là mức nhiệt cao nhất trên thế giới được ghi nhận từ trước đến nay,
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất.
Kuldeep Kaur, cư dân thành phố Sri Ganganagar ở bang Rajasthan, miền Bắc Ấn Độ tiếp giáp Pakistan cho biết người dân nơi đây, nhất là người nghèo, bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong các đợt nắng nóng. Cách đó nửa vòng Trái Đất, ở miền Tây Canada, hiện tượng "vòm nhiệt" đã đẩy nhiệt độ nơi đây vượt quá 40 độ C trong mùa Hè này.
Nhiệt độ gia tăng cũng là nguyên nhân khiến các trận hạn hán, cháy rừng, bão lũ xảy ra với tần suất nhiều hơn và với cường độ mạnh hơn. Các đợt nắng nóng ngày càng nhiều đang tác động nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi, nông nghiệp và có thể cướp đi mạng sống của người dân. Theo người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace, nhà khí hậu học Robert Vautaud, mỗi đợt nắng nóng khủng khiếp hoành hành trên quy mô lớn khiến hàng nghìn người tử vong và điều đáng lo ngại là các đợt nắng nóng này ngày một gia tăng.
Một dự thảo báo cáo của Liên hợp quốc cho biết nếu nhiệt độ trên thế giới tăng lên 2 độ C thì 1/4 dân số thế giới có thể đối mặt với các đợt nắng nóng nghiêm trọng xảy ra ít nhất 1 lần trong 5 năm.
Trong bối cảnh các đợt nắng nóng nghiêm trọng ngày càng trở thành thực tế cuộc sống trên toàn cầu, nhiều người đang đặt kỳ vọng vào Hội nghị COP26 tới. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hội nghị sắp tới phải đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Để làm được điều đó, mọi các quốc gia trên thế giới phải cam kết không khí phát thải ròng vào năm 2050, và đệ trình những chiến lược rõ ràng, đáng tin cậy trong dài hạn để đạt được mục tiêu này.