Sức khỏe

Cảnh báo tai nạn do pháo tự chế dịp cuối năm

Hoàng Chiến 24/12/2024 20:31

Mặc dù đã có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra từ việc tự ý chế tạo pháo nổ, tuy nhiên thời gian gần đây các bệnh viện trên cả nước vẫn liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn mới do pháo tự chế. Trong đó, nhiều trường hợp là đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên.

Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

Thời gian gần đây, tình trạng tai nạn do pháo tự chế tiếp tục trở thành vấn đề đáng báo động, đặc biệt trong dịp cuối năm, cận kề Tết Nguyên đán.

Nhiều vụ việc thương tâm đã được ghi nhận, điển hình là vụ nổ tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ngày 23/12 vừa qua. Một nhóm thanh thiếu niên tự chế pháo đã gây ra vụ nổ lớn, khiến một người tử vong tại chỗ và 5 người khác bị thương nặng, trong đó có người bị cụt tay.

Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác đối với tác hại nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và vi phạm pháp luật từ hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ pháo nổ, vật liệu chế tạo pháo và chế tạo pháo trái phép.

Còn thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, vào mỗi dịp Tết và cận Tết, số ca tai nạn do nổ pháo tự chế luôn gia tăng đáng kể. Nguyên nhân chính thường xuất phát từ việc mua pháo lậu không rõ nguồn gốc, tiếp cận thông tin không chính thống trên mạng xã hội và tự ý chế tạo pháo.

Những tai nạn này không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất mà còn để lại hậu quả nặng nề về tâm lý và tài chính cho người bệnh và gia đình.

Cuối tháng 11/2024 vừa qua, chỉ trong 2 ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 3 trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế. Các em có độ tuổi từ 12 đến 14, nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay, tổn thương nghiêm trọng vùng da và mắt.

Bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức thăm khám cho một trường hợp tai nạn vì pháo tự chế. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo, người dân không tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu và cần hướng dẫn con em tránh xa các hành động nguy hiểm này để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Trong 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã xảy ra 3 vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến chế tạo pháo nổ, nạn nhân đều ở độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh.

Thượng tá Chu Kiến Trúc – Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Gia Lai cho biết, bên cạnh hành vi sai trái của các cháu ở độ tuổi thanh, thiếu niên, còn có một phần trách nhiệm của các bậc phụ huynh, nhà trường trong việc chưa kịp thời, thường xuyên trong công tác quản lý, nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em mình.

Cũng theo Thượng tá Chu Kiến Trúc, thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, các bậc phụ huynh cần dành thời gian phối hợp chặt chẽ với giáo viên, nhà trường để nắm bắt các biểu hiện nghi vấn phát sinh của các em;

Bên cạnh đó, thường xuyên quản lý, giáo dục con em mình để kịp thời phát hiện và ngăn chặn khi thấy các em có các biểu hiện, như: mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo; truy cập vào các trang mạng xã hội để xem clip chế tạo pháo nổ…, tránh những hậu quả đáng tiếc, đau lòng từ pháo nổ, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Làm pháo tự chế bị xử lý ra sao?

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 5, Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại nghị định này.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Theo đó, hành vi tự chế tạo, buôn bán pháo tự chế sẽ bị xử lý theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

Phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi: Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ; vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.

Luật sư Hùng cho biết thêm, về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) hoặc “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190) Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Luật sư Hùng cũng khuyến cáo, trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý, mỗi gia đình cũng cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động con em và người thân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Không tự ý chế tạo, buôn bán sử dụng pháo nổ để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo tai nạn do pháo tự chế dịp cuối năm