Cảnh báo tai nạn ở trẻ dịp nghỉ hè

Nghĩa Toàn 19/06/2023 07:00

Trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt. Đặc biệt, xu hướng trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt thường tăng cao dịp nghỉ hè.

Phẫu thuật nối ngón tay cho trẻ bị tai nạn sinh hoạt tại Bệnh viện Nhi trung ương. ẢNh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, từ đầu tháng 5/2023 đến nay, số trẻ gặp tai nạn, thương tích đến khám tại cơ sở y tế này có khuynh hướng gia tăng rõ rệt. Trong đó, trẻ 2 - 5 tuổi thường bị bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất, ngã… Còn với độ tuổi từ 6 - 14, tai nạn thường là đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông…

BS Nguyễn Thành Trung - Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) cho biết: Khoảng 1 tháng gần đây, mỗi ngày trung bình Khoa tiếp nhận 20 - 30 ca, tăng 30 - 50% so với các tháng trước, trong đó đa số là trẻ 6 - 11 tuổi. Đáng chú ý, không ít các trường hợp trẻ gãy xương do tai nạn vận động nhưng không được bố mẹ phát hiện kịp thời khiến việc điều trị trở nên khó khăn và có thể để lại di chứng.

Đơn cử, hiện nay Khoa đang điều trị cho 1 bệnh nhi nhập viện do gãy xương cẳng tay phải và gãy xương đòn trái bởi ngã cầu thang. Sau một thời gian điều trị, trẻ vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn bởi nguyên nhân do tới viện quá muộn. Thực tế, trẻ em có thể lành xương rất nhanh, do vậy, đôi khi trẻ bị gãy xương, bố mẹ thấy con kêu khóc nhưng lại bỏ qua mà không đi thăm khám ngay. Chúng tôi gặp không ít trường hợp khi trẻ đến viện thì kết quả chụp chiếu cho thấy phần xương gãy đang tự lành.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ cũng cho biết, gần như năm nào số ca trẻ nhập viện vì tai nạn sinh hoạt cũng gia tăng đột biến vào mùa hè. TS.BS Hoàng Hải Đức - Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi thông tin: “Mỗi năm, đặc biệt vào dịp hè, Khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do tai nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Nhiều trường hợp thương tổn nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi, nhưng cũng có những thương tổn nặng không thể phục hồi như đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng”.

Theo BS Đức, một trong những tai nạn mà trẻ thường gặp và để lại hậu quả nghiêm trọng trong dịp nghỉ hè là đuối nước. Đơn cử trường hợp bé C.T. (6 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình cho đến chơi ở một bể bơi. Tại đây, bé bị đuối nước, được đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, bé T. được đưa đến cấp cứu ở một bệnh viện cách nơi gặp nạn khoảng 5 phút di chuyển, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa của Bệnh viện, sau khi được điều trị, bé đã tỉnh, tự thở, nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài, vì các di chứng thần kinh có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương, chỉ trong khoảng 1 tuần đầu tháng 6, Khoa Điều trị tích cực nội khoa đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.

BS Đức lý giải: “Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp phải tai nạn. Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ. Ví dụ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi, … gần khu vực trẻ chơi. Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn. Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc, cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn”.

BS Nguyễn Thành Trung - Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn) lưu ý, khi thấy trẻ bị đau, bỏ ăn, có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Có nhiều trường hợp, các em bị ngã hay bị tai nạn gãy xương, nhưng không được phát hiện sớm, để lại di chứng về vận động. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ chơi ở nơi đang nấu ăn hoặc gần nguồn điện; không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, cồn, xăng, hóa chất…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo tai nạn ở trẻ dịp nghỉ hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO