Một ấn tượng mấy chục năm nay của tôi về thơ Nguyễn Đình Thi không những không phai mờ mà ngày càng đậm nét. Đó là sự tươi trong của một con người rất nhiều từng trải; hay là một con người đã trải qua đất, bùn, máu, lệ mà vẫn chắt chiu được sự tươi trong. Nếu thiếu một trong hai vế, sự tươi trong chỉ còn là chiếc cốc thuỷ tinh mong manh dễ vỡ với vẻ ngây thơ nông cạn, còn vế kia là con người không hóa giải nổi những đau thương, chỉ còn lại những nét khắc khổ, cằn cỗi, hận thù... 
Bài thơ “Mùa xuân” này chứng minh cho luận điểm của tôi. Đọc câu thơ đầu, mới là sự tươi trong mở đầu mùa xuân tuần hoàn của trời đất “có gió lạnh thổi về một con chim nhỏ và dòng sông sóng dào ngơ ngẩn... Tất cả lại nẩy chồi tươi biếc” sau mùa hạ oi nồng, mùa đông giá rét...
Nhưng:
Không ta không quên
Bao nhiêu luống cày còn trộn sắt gang
Người đọc mới bừng hiểu mùa xuân này là một mùa xuân biểu tượng, mùa xuân lớn của cả một dân tộc không phải sau ba mùa mà là 30 năm làm cuộc trường chinh với “Mặt đất đầy vỏ đạn”, với “Giọt nước mắt người rơi xa vắng”:
Ta không quên
Buổi chiều lầy lội bên bờ cỏ ấy
Bùn bết máu trên mặt người tử sĩ
Ta không quên đâu
Không quên đâu.
Vết thương ấy là vết thương thế kỷ, làm sao mà quên được bao nhiêu bà mẹ mất con, bao nhiêu người vợ trẻ mất chồng, có những tổn thương hiện hình thành con số, có những tổn thương thật mơ hồ mà xót xa, chỉ những nhà thơ tài năng mới phát hiện và ghi lại được:
Một mình một mâm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền.
(Hữu Thỉnh)
Nhưng nhìn lại cả quá trình lịch sử, có bao giờ những tổn thất dù lớn đến đâu, lại cản được bước đi lên của cả một dân tộc. Nhìn lại năm Nguyễn Đình Thi sáng tác bài thơ: 1977. Vậy là ông đã biểu hiện cảm xúc lớn sau ngày toàn thắng 1975 thay cho tất cả mọi người!
Điểm đặc biệt của Nguyễn Đình Thi: ông nói những tình cảm lớn bằng một ngôn ngữ dung dị. Không có những chữ mới, không có những tu từ lạ, ông vẫn như ngày nào: “Sáng mát trong như sáng năm xưa”. Nhưng đọc kỹ, sẽ thấy sự chi chút, ông chắt lọc từng con chữ để tránh được sáo mòn. Ông hay dùng thể tự do, lại hay bỏ vần, đưa thơ gần ngôn ngữ đời thường, chính vì vậy lại càng tăng tính chân thực.
Tôi tự hỏi: Sự tươi trong sau rất nhiều từng trải này có tương đồng với sự giản dị của câu chữ sau bao nhiêu năng lượng tri thức ông nạp vào? Từ điểm xuất phát khá cao: 18 tuổi ông đã viết hàng loạt tác phẩm giới thiệu triết học phương Tây.
Tôi có 10 năm công tác ở Hải Phòng, thường tự hỏi: Bút pháp của những nhà thơ nào tương hợp với cuộc sống cần lao, chân chất của Hải Phòng?
Tôi đã chấm được Văn Cao và Nguyễn Đình Thi. Thơ hai ông là vẻ đẹp tự nhiên, không làm dáng, không điểm trang mà tự đẹp, nhất là khi viết về thành phố thợ này!
Hải Phòng của Nguyễn Đình Thi là:
Nhớ tiếng guốc trên cầu mỗi sáng
Những trưa lọc cọc tiếng xe bò
Mồ hôi vã trên đường nhựa bỏng
Nhớ dãy người quang gánh đợi phà
Thơ 7 chữ mà ông bỏ vần cứ như không. Ông không chỉ khắc họa chi tiết cuộc sống, ông còn khái quát về người Hải Phòng khá chuẩn: “Hải Phòng của những ai trôi dạt - Giữa ồn ào vẫn thiếu quê hương”.
Nguyễn Đình Thi cũng như Văn Cao, tước bỏ mọi cầu kỳ, hoa mỹ trong ngôn ngữ thơ, không thời trang theo “mốt” nên không bao giờ lỗi mốt. Đó cũng là lý do bài thơ dài “Những người trên cửa biển” của Văn Cao đọc lại vẫn thấy vạm vỡ, hiện đại.
Câu thơ dung dị như lời nói thường mà vẫn tiềm ẩn chất thơ, có phải đó là đặc điểm thơ Nguyễn Đình Thi?
Trở lại bài “Mùa xuân”, nhờ sự chân thực trong sáng chiếm lòng người đọc từ đầu bài thơ, nên hai câu cuối bài mới lay động ta đến thế:
Mùa xuân đang nói về hạnh phúc
Cánh chim bay trên sông núi lạ lùng.
“Cánh chim bay trên sông núi” vốn chẳng có gì lạ, nhưng sông và núi với bao đổ vỡ đau thương, nay trở lại nhịp sống bình thường, ta mới thấy cái bình thường này thật quý giá, lạ lùng!
Tìm ra điều mới lạ trong cái bình thường cũng là chức trách của người nghệ sĩ!
Mùa Xuân Gió lạnh thổi về nỗi nhớ Tất cả lại bắt đầu - tất cả Không ta không quên Ta không quên Ta không quên Ta không quên Gió ào ào nghìn nỗi nhớ Lá non đã xanh rờn mặt đất Nguyễn Đình Thi |