Chiến thắng của tuyển Pháp trước Anh ở tứ kết giúp họ tiếp tục nuôi tham vọng giành danh hiệu vô địch World Cup thứ hai liên tiếp. Đây là cột mốc có thể đưa họ sánh ngang các đội bóng vĩ đại nhất.
Đội bóng của HLV Didier Deschamps đã chinh phục thành công thử thách lớn nhất đến lúc này, một tuyển Anh thi đấu ấn tượng nhưng còn thiếu bản lĩnh. Nhà đương kim vô địch giành quyền vào bán kết World Cup 2022 nhờ màn tỏa sáng của Tchouameni và Giroud, chạm trán hiện tượng Morocco.
Nếu Les Bleus tiếp tục vượt ải, họ sẽ đối đầu với Argentina hoặc Croatia trong trận chung kết. 4 năm trước, đoàn quân Deschamps lên ngôi vô địch thế giới đầy thuyết phục sau trận thắng Croatia 4-2. Đây là cúp vàng thế giới thứ hai của đất nước hình lục lăng, sau thành tích cao nhất ở giải đấu trên sân nhà vào năm 1998.
Và giờ, Pháp đang đứng trước cơ hội bảo vệ thành công ngôi vô địch, kỳ tích chỉ có “thế hệ vàng” Italy và Brazil làm được (không tính Uruguay vô địch những giải đấu đầu tiên khi World Cup chưa mang tính toàn cầu)
Italy đã giành chức vô địch World Cup năm 1934, đánh bại Tiệp Khắc 2-1 tại Rome, và bảo vệ ngôi vương với chiến thắng 4-2 trước Hungary trong trận chung kết năm 1938 tại Pháp.
Kỳ tích tiếp theo - và gần đây nhất - được Brazil xác lập vào năm 1958 và 1962, nhờ nguồn cảm hứng bất tận từ cậu bé Pele 17 tuổi và sự xuất sắc của Garrincha. Họ lần lượt đánh bại Thụy Điển 5-2 trên chính sân nhà đội bóng châu Âu và vượt qua Tiệp Khắc 3-1 trong hai trận chung kết liên tiếp.
Tây Đức lọt vào ba trận chung kết liên tiếp từ năm 1982 đến năm 1990, nhưng chỉ giành chiến thắng tại Italy 90. Chính chiến thắng 1-0 trước Argentina đã ngăn Albiceleste sánh vai cùng Italy và Brazil trong “ngôi đền huyền thoại” với cú đúp cúp vàng.
Tuyển Hà Lan cũng từng thua trong các trận chung kết (năm 1974 và 1978, đều trước các đội bóng chủ nhà). Cho đến nay, chỉ có Argentina, Brazil, Tây Đức và Hà Lan từng đối đầu nhau ở các trận chung kết tại World Cup. Pháp và Croatia chỉ còn 90 hoặc hơn 120 phút để gia nhập câu lạc bộ ưu tú đó.
Những thống kê kể trên cho thấy, việc một đội bóng vô địch World Cup hai lần liên tiếp là kỳ tích rất khó xảy ra. Ngoài đảm bảo phong độ không trồi sụt suốt nửa thập kỷ, thích ứng với thể thức thi đấu mới từ FIFA; động lực và khát khao chiến thắng sau khi đã bước lên ngôi số 1 thế giới cũng là thách thức với các nhà vô địch.
Gần đây nhất, thế hệ vàng tiki-taka của Tây Ban Nha, làm mưa làm gió ở Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012 (vô địch) cũng không thể làm nên lịch sử. Thậm chí, các nhà ĐKVĐ tham dự World Cup 2002, 2010, 2014 và 2018 đều không lọt qua vòng bảng. Tại Qatar năm nay, Pháp đã vượt qua “lời nguyền” do chính họ bắt đầu, và sẵn sàng công phá thêm một “lời nguyền” nữa.
Trước trận bán kết, Pháp đang có đầy đủ những lợi thế để hóa giải “ngựa ô” Morocco. Họ không lo lắng về chấn thương, treo giò hay bị bào mòn thể lực như đối thủ (Morocco có Achraf Hakimi, Romain Saiss, Noussair Mazraoui, Nayef Aguerd dính chấn thương, còn Walid Cheddira bị treo giò).
Didier Deschamps cũng nắm trong tay những siêu sao đạt phong độ cao. Pháp có quá nhiều mối đe dọa khung thành đối thủ, trên khắp mặt sân: Bộ tứ Mbappe, Ousmane Dembele, Antoine Griezmann, Olivier Giroud liên tiếp ghi bàn; Kingsley Coman sẵn sàng bùng nổ từ băng ghế dự bị hay Aurelien Tchouameni đặc biệt nguy hiểm từ những cú sút xa. Bàn thắng có thể đến với Les Bleus từ bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Trận bát kết Pháp - Morocco sẽ diễn ra vào 2h ngày 15/12 theo giờ Việt Nam.