Xã hội

Cảnh giác bẫy tiền ảo

BẮC PHONG 12/01/2025 14:37

Thời gian qua, nhiều đối tượng đã tạo ra những đồng tiền số không có giá trị, tạo lập cộng đồng để bơm thổi giá trị ảo nhằm mục đích lừa đảo. Nhiều hội, nhóm tiền ảo trên mạng xã hội Facebook, Telegram... hoạt động rất mạnh mẽ, và nhiều người đã sập bẫy.

11.jpg

Trên nền tảng Facebook, nhóm Trade Coin Việt Nam có tới 433.700 thành viên. Nhóm Học viện Crypto 591.400 thành viên. Pi Network Việt Nam 322.000 thành viên. Thế giới Pi Network 247.000 thành viên... liên tục chia sẻ loạt bài viết khoe lãi và kêu gọi đầu tư, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.

Tài khoản ảo, nạn nhân thật

Trên một Fanpage, tài khoản Q.L cho biết chỉ vừa đầu tư vào đồng coin E. đã kiếm được lãi ngay lần đầu giao dịch và đồng tiền số này chắc chắn sẽ tăng giá gấp 4-5 lần, mức độ uy tín 100%, từ đó người này kêu gọi mọi người truy cập đường link để mua tích lũy. "Đây là cơ hội để có tiền tiêu thoải mái dịp Tết này" - Q.L quả quyết.

Ở phần bình luận dưới những bài viết kiểu này, nhiều tài khoản ảo còn "mồi" thêm để kích thích người chơi, như: "Thắng thua là chuyện bình thường, nhưng một khi đã lãi thì lãi lớn, như tôi đầu tư 30 triệu sau 1 năm tăng hơn 300 triệu".

Tháng 12/2024, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát cảnh báo liên quan vụ việc một phụ nữ tên T. ở Hà Nội trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đầu tư tiền ảo, bị chiếm đoạt số tiền 9,4 tỷ đồng. Thông qua mạng xã hội Facebook, bà T. đã kết bạn, trò chuyện với tài khoản Nguyễn Thị Thùy Dung. Sau một thời gian, người này mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website mcprimetrusted.com.

Trước lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. tạo tài khoản theo hướng dẫn, rồi nạp 5 tỷ đồng để nhận 350.000 USD (tương đương 9 tỷ đồng) như hứa hẹn. Tuy nhiên, khi bà này muốn rút số tiền trên, đối tượng lừa đảo yêu cầu trong vòng 5 giờ phải đóng tiếp 20% tổng số dư tài khoản, đóng thêm 15% nữa để mua bảo hiểm tiền gửi và 3% phí chuyển nhanh tiền về tài khoản cá nhân. Tin tưởng, bà T. nộp tiền thêm nhưng không rút được gốc.

Tại tọa đàm về phòng chống tội phạm tài chính trên không gian mạng do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, thượng tá Trần Tiến Quang - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TPHCM, cho biết, gần đây xuất hiện hình thức kẻ gian tạo ra những đồng tiền số không có giá trị, tạo lập cộng đồng để trao đổi, bơm thổi giá trị ảo nhằm mục đích lôi kéo, lừa đảo người chơi. Những kẻ này còn thường xuyên tổ chức sự kiện, đưa "con mồi" đi nước ngoài để dẫn dụ, quảng bá.

Còn theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch VBA, nhiều tổ chức không rõ thông tin như CrossFi, Bom Network liên tiếp tổ chức hội thảo kín để huy động vốn bất hợp pháp. Các sàn giao dịch Mexc, Binance... cũng quảng bá công khai thông tin về tiền số và cho phép giao dịch tự do dù không được cấp phép tại Việt Nam.

Vỡ mộng “giàu nhanh, thắng lớn”

Trước đó, nhiều vụ lừa đảo tiền ảo cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá. Đáng chú ý, Công an Hà Nội từng triệt phá đường dây tiền ảo Cashback Pro trị giá hàng nghìn tỷ đồng; ra Quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp xảy ra tại Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với Thân Văn Thoại - Phó Tổng giám đốc Công ty này và 7 đối tượng có liên quan.

Từ những câu chuyện “giàu nhanh, thắng lớn” chỉ sau một thời gian ngắn của một số người được truyền miệng trên các mạng xã hội về đầu tư tài chính, nhất là chơi tiền mã hóa - thường được gọi là tiền ảo, nhiều người dùng đã "nuôi" ước mơ và tìm kiếm cơ hội làm giàu trên mạng. Nắm bắt tâm lý này, những kẻ lừa đảo tung ra nhiều chiêu trò giăng bẫy. Không chỉ với những người “tham gia đầu tư” với niềm tin ngây thơ sẽ kiếm lợi lớn thì nhiều người tham gia các ứng dụng hẹn hò trực tuyến cũng đã sập bẫy của những kẻ lừa đảo. Thông qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Tinder, EzMatch, Lit Match, Hullo..., kẻ lừa đảo kết bạn với "con mồi", trò chuyện và gây dựng niềm tin. Sau đó, chúng sẽ hướng dần sang chủ đề tài chính, khuyến khích tham gia đầu tư các dự án đầy hấp dẫn. Khi nạn nhân bỏ ra một số tiền nhất định, những kẻ lừa đảo sẽ tạo ra rất nhiều lý do như: nâng cấp gói VIP, hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư, gỡ bỏ chế độ an toàn, lỗi hệ thống... để chiếm đoạt tài sản.

Công an TP Hà Nội cũng cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân bị lừa tiền khi tham gia đầu tư tài chính qua mạng. Người bị lừa nhiều nhất lên đến 57 tỷ đồng. Những kẻ lừa đảo liên tục quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên mạng thông qua các sàn giao dịch, các website do chúng tạo ra.

Một đội ngũ "nhân viên" sẽ liên tục gọi điện mời chào "nhà đầu tư" tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram... Thậm chí chúng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín nhằm dễ dụ "con mồi" vào các nhóm Facebook, Telegram, Zalo... và tham gia các sàn giao dịch do chúng tạo ra.

Những kẻ lừa đảo thi nhau quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí chúng còn đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nhiều lần khuyến cáo người dân cần thận trọng khi được giới thiệu mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, nhất là khi bản thân không có kiến thức về lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

4 dấu hiệu nhận biết lừa đảo đầu tư tiền ảo
Theo cảnh báo từ Bộ Công an, 4 dấu hiệu nhận biết lừa đảo bao gồm: Thứ nhất, các đối tượng thường chủ động tiếp cận để tìm cách giới thiệu, quảng cáo về trang web hoặc sàn giao dịch mà mình đang đầu tư và thu được lợi nhuận cao từ việc đầu tư này.
Thứ hai, phương thức tiếp cận nạn nhân của các đối tượng rất đa dạng, có thể từ quảng cáo trên mạng xã hội, hoặc vào vai doanh nhân thành đạt kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài, dần dần lôi kéo đầu tư.
Thứ ba, các đối tượng tìm nhiều cách để không gặp mặt nạn nhân, lấy lý do ở nước ngoài, đi công tác... giả mạo định vị để tạo lòng tin. Chúng luôn đóng vai là người đầu tư cùng, khiến nhiều nạn nhân dù đã nghi ngờ bị lừa đảo nhưng vẫn tin tưởng vào "người bạn" của mình nên tiếp tục chuyển tiền.
Thứ tư, nạn nhân thường được đưa vào các nhóm kín trên mạng xã hội có nhiều tài khoản ảo đóng vai "chuyên gia đọc lệnh", thành viên cùng tham gia đầu tư. Các tài khoản ảo thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lãi suất từ sàn đầu tư sau khi làm theo hướng dẫn của các "chuyên gia". Khi nạn nhân có dấu hiệu nghi ngờ, cân nhắc chuyển tiền, các tài khoản ảo liên tục thúc giục việc chuyển tiền với lý do để nhóm tiếp tục hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác bẫy tiền ảo