Cảnh giác bệnh viêm loét giác mạc

B.Phúc (tổng hợp) 08/10/2021 19:46

Loét giác mạc là tình trạng mất tổ chức giác mạc do hoại tử, gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc. Có rất nhiều nguyên nhân gây loét giác mạc như vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng.

Cô gái 21 tuổi ở Hà Quảng (Cao Bằng) ba tháng qua mắt nhìn mờ, đau nhức, tự uống thuốc điều trị tại nhà mới đến trung tâm y tế khám, được chuyển tới bệnh viện tỉnh.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm loét giác mạc, song do đến viện muộn đã mất toàn bộ thị lực.

Loét giác mạc là tình trạng mất tổ chức giác mạc do hoại tử, gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc. Có rất nhiều nguyên nhân gây loét giác mạc như vi khuẩn, nấm, virus hoặc ký sinh trùng.

Loét giác mạc thường xuất hiện sau một chấn thương gây tổn hại lớp tế bào biểu mô (lớp tế bào bề mặt của giác mạc). Tổn thương giác mạc cũng có thể do bệnh tại mắt (do lông quặm, lông xiêu cọ vào mắt) hoặc điều trị phản khoa học như đánh mộng mắt bằng búp tre, đắp nhái vào mắt để điều trị...

Mắt bị loét giác mạc sẽ đỏ, đôi khi sưng nề, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, rất khó mở mắt. Thị lực giảm nhiều, trường hợp nặng chỉ còn cảm nhận được ánh sáng, mi và kết mạc phù nề, có thể sụp mi. Trên giác mạc có một ổ loét.

Loét giác mạc là một bệnh nặng, khó điều trị và dẫn đến nhiều biến chứng, để lại sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực. Điều trị không hiệu quả có thể phải bỏ nhãn cầu. Lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid, bệnh sẽ trầm trọng, biến chứng rất nguy hiểm.

Người bị loét giác mạc cần bác sĩ khám, nạo ổ loét lấy bệnh phẩm xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị bằng các thuốc đặc hiệu. Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh có thể phải phẫu thuật ghép giác mạc, thay thế giác mạc bệnh bằng mô giác mạc lành. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tại các hiệu thuốc để tự điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác bệnh viêm loét giác mạc