Dù đã nhiều lần cảnh báo, thậm chí với những chiêu lừa không mới nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn dụ được nhiều nhà đầu tư “ham lời” tham gia chơi chứng khoán quốc tế, tiền ảo.
Mới đây chị N.T.T.N. (35 tuổi, ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo mất hơn 1 tỷ đồng. Chị N. cho biết, trong lúc lướt mạng Facebook đã thấy trang “Chiến lược đầu tư” giới thiệu về việc đầu tư tài chính nên tìm hiểu. Chị N. nhắn tin, thì được giới thiệu tham gia sàn đầu tư chứng khoán và gửi đường link đăng ký tài khoản và tham gia đầu tư trên mạng.
Cảnh giác bẫy làm giàu
Khi tham gia đầu tư, chị N. nạp 300.000 đồng và thực hiện theo hướng dẫn của chuyên gia, đã rút được số tiền 576.000 đồng. Sau đó, chị N. tiếp tục nạp tiền tham gia gói đầu tư lớn hơn để được hưởng lợi nhuận cao hơn. Sau đó, chị nhiều lần được yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản do “chuyên gia” chỉ định với lý do “khắc phục lỗi hệ thống”. Vì muốn rút toàn bộ số tiền vốn và lãi đã đầu tư, chị N. 13 lần chuyển khoản với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Dù đã chuyển khoản theo yêu cầu, chị N. vẫn không rút được tiền. Nghi ngờ bị lừa nên chị đã đến trình báo công an.
Tương tự, ông Nguyễn T. (Cà Mau) kể lại câu chuyện diễn ra vào năm 2021, qua Facebook, ông bị một số đối tượng lừa tham gia sàn StockX với lợi nhuận 200 - 600%. Đầu tiên, một nữ môi giới tên Hân tiếp cận ông qua mạng xã hội, mời chào mở thử tài khoản sẽ được tặng ngay 3 triệu đồng. Ông T. đã tải ứng dụng về và nạp thử 5 triệu đồng, ngay lập tức sàn tặng 3 triệu đồng và ông rút về thành công cả lãi là 8 triệu đồng.
Thấy lãi cao, rút tiền về thành công nhanh chóng, ông T. đã nạp tổng cộng 6 lần vào tài khoản với tổng số tiền đầu tư 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu năm nay ông T. yêu cầu rút tiền thì sàn không cho và yêu cầu đóng 20% thuế (800 triệu đồng). “Lúc đó, tôi đã nghi ngờ lừa đảo nên không đồng ý, song nhân viên sàn dọa sẽ đóng băng tài khoản nếu không thực hiện lệnh rút. Với hy vọng gỡ gạc, tôi vay mượn 800 triệu đồng nạp vào tài khoản, nhưng sàn vẫn loanh quanh không cho rút và chặn số điện thoại, đóng tài khoản của tôi. Lúc này, tôi mới biết bị lừa” - ông T. nói....
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM đã đưa ra khuyến cáo, lừa đảo đầu tư tài chính, tiền ảo bằng cách kêu gọi người chơi bỏ tiền tham gia đầu tư, mua - bán, giao dịch các loại “tiền ảo”, “tiền kỹ thuật số”, sàn đầu tư ngoại hối... Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều người thiếu hiểu biết, mù quáng tin theo và trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này.
Thủ đoạn mà các đối tượng đã sử dụng để khiến “con mồi” mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty tài chính để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Các tên miền (domain) mà những sàn giao dịch này sử dụng thường chỉ tồn tại trong một thời gian. Sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các đối tượng sẽ chuyển sang một tên miền khác và tự đánh sập sàn cũ để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của cơ quan chức năng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác trước những cái bẫy “làm giàu” này của các đối tượng lừa đảo.
Nhiều hình thức lừa đảo mới
Bị lừa đảo chiếm đoạt những khoản tiền rất lớn không còn là câu chuyện hiếm gặp. Hiện nay, còn xuất hiện nhiều tình huống lừa tinh vi hơn.
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) kể, anh có chơi chứng khoán và tài khoản “cháy” 50%. Một hôm anh được mời gia nhập vào nhóm chát zalo với lời chào, sẽ dạy chơi chứng khoán phái sinh để gỡ lỗ. Tham gia nhóm chát 2 ngày thì thị trường chứng khoán đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, chủ nhóm chát lại hướng dẫn 50 thành viên trong nhóm với lời mời gọi: Chứng khoán cơ sở đang quay trở lại, nếu các anh, chị tin tưởng, chuyển sang nhóm kín để được “phím” các mã sinh lời nhanh.
Do nóng lòng gỡ lại khoản tiền đã bỏ ra, anh Hiệp đã kết bạn để chuyển sang nhóm kín, nhưng hơn 3 ngày anh chạy theo lệnh của chủ nhóm đưa ra, mua các mã mà chủ nhóm nói ở các vùng giá khuyến nghị, song tài khoản càng lỗ hơn. “ Tốt nhất là đừng theo hội nhóm, các hội nhóm lập ra không khác gì đi lùa gà” - anh Hiệp chia sẻ.
Hiện nay trên mạng xã hội cũng đang lan truyền hình ảnh, có một nhóm chát được thành lập với đội quân chuyên chỉnh ảnh để khoe lãi. Điều này được cho rằng liên quan đến các nhóm, cá nhân mời gọi đầu tư chứng khoán cơ sở, chứng khoán quốc tế, hay tiền ảo với lãi khủng mà thực chất là lừa đảo.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các App giao dịch không rõ nguồn gốc.
Một trong những điểm mà nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đó là khi muốn mở tài khoản tại các công ty chứng khoán chính thống, nhà đầu tư cần phải có chứng minh thư, số điện thoại và email. Còn các ứng dụng giả mạo, không rõ nguồn gốc chỉ yêu cầu nhà đầu tư cung cấp số điện thoại.
Một điểm đáng lưu ý nữa đó là số tài khoản chứng khoán hợp pháp theo quy định phải có 10 ký tự, bao gồm cả chữ cái và số. Nhưng các ứng dụng giả mạo chỉ thường lấy ngay số điện thoại của nhà đầu tư làm số tài khoản.
Khi nhà đầu tư giao dịch tại các ứng dụng chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc, sẽ không được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) ghi nhận, cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư hoàn toàn không sở hữu bất cứ cổ phiếu nào.
Theo giới chuyên gia, để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, khi thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, trang bị những kiến thức cần thiết. Cách kiểm tra website lừa đảo chính xác và nhanh nhất là tra cứu thông tin doanh nghiệp để kiểm tra website, tên miền, thông tin đăng ký của website.