Dù tình hình cháy nổ ở các điểm nóng, các khu dân cư đông người đã được kiềm chế, tuy nhiên Cảnh sát PCCC TP.HCM nhận định, tình trạng đốt cỏ, rác tự phát của người dân xảy ra nhiều trong thời gian gần đây dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.
Thời điểm cuối năm, người dân mua sắm hàng hóa tích trữ nhiều trong nhà dẫn đến nguy cơ cháy nổ.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết tại buổi họp báo công tác PCCC năm 2015 và cao điểm trước, trong và sau Tết Bính Thân 2016 vào chiều 13-1 tại TP.HCM.
Theo ông Bửu, thống kê trong năm 2015 đã phát hiện, xử lý tới 49,5% các vụ cháy tập trung tại các khu vực dân cư, với nguyên nhân chủ yếu là do bất cẩn trong quá trình đốt cỏ rác, trong khi có đến 82,85% vụ do bất cẩn trong sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện. Hầu hết các vụ cháy gây thiệt hại về người là xảy ra từ các vụ cháy nhà dân, nhất là tình hình cháy ở các khu chung cư, nhà xưởng sản xuất khung thép, mái tôn.
Ngành Cảnh sát PCCC thành phố thống kê trong cả năm 2015 trên địa bàn đã xảy ra tới 1.650 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ.
Đại tá Lê Tấn Bửu cũng nhìn nhận, nhờ sự tham gia cứu nạn, cứu hộ của lực lượng cảnh sát PCCC mà trong năm qua đã hạn chế tối đa số người chết và bị thương. Cụ thể, trong 170 vụ tham gia cứu nạn, cứu hộ thì các cán bộ, chiến sĩ PCCC đã cứu được tới 117 người, trong đó có 50 người dân được cứu sống từ các đám cháy.
Đại tá Nguyễn Quang Nhựt, Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM cho rằng, nguyên nhân xảy ra cháy lớn chủ yếu do phát hiện, báo cháy chậm, không kịp thời. Ngoài ra, một phần công tác xử lý, chữa cháy ban đầu cũng không tốt hoặc các phương tiện chữa cháy tại chỗ không đảm bảo để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Liên quan đến công tác PCCC trong dịp Tết Bính Thân 2016, Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết, dịp Tết năm nay Cảnh sát PCCC TP.HCM đã chuẩn bị kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC đối với các tòa nhà cao tầng và siêu cao tầng; công trình ngầm và công trình có tầng hầm; chợ, trung tâm thương mại – nơi tập trung đông người; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất (tập trung khu vực chợ Kim Biên,…); cơ sở sản xuất chế biến gỗ; các kho hàng; cơ sở sản xuất trong KCN, KCX.
Vụ cháy xảy ra ngay trước đợt Tết Dương lịch vừa qua tại khu vực chợ gà ở phường Cầu Ông Lãnh (Q.1, TP.HCM) là cảnh báo nghiêm túc đối với công tác PCCC trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới. Trong vụ cháy này, khoảng 6.700m2 khu chợ, với 250 hộ dân và 756 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 8 ngôi nhà liền kề bị cháy rụi. Theo Cảnh sát PCCC TP.HCM thì đặc điểm của khu vực cháy thông nhau như bàn cờ, lòng hẻm diện tích chỉ khoảng 1m, các kiot chỉ 4 – 6m, trong khi lại là khu đông dân cư, cũng không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC.
“Thường ở các khu dân cư, nhất là các nhà trong hẻm chật chội vào dịp Tết người dân mua sắm, hàng hóa đưa về tích trữ trong nhà là rất nhiều. Do đó, chỉ cần bất cẩn trong sử dụng các thiết bị điện, hay khi đun nấu, thờ cúng, đốt vàng mã là những nguyên nhân dễ dẫn đến cháy nổ, mà đáng lo nhất là cháy lớn, cháy lan. Vào các dịp Tết trước đây thì đã xảy qua những vụ cháy từ những nguyên nhân nêu trên” - Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết, đồng thời khuyến cáo: Mỗi hộ gia đình phải nêu cao cảnh giác và khi xảy ra cháy phải gọi ngay vào đường dây nóng của Cảnh sát PCCC thành phố để kiềm chế đến mức tối đa những thiệt hại về cháy nổ xảy ra trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Thời điểm trước Tết Nguyên đán, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó GĐ Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng cho biết, đã tiến hành thẩm duyệt hơn 1.500 công trình và kiểm tra mặt bằng 573 công trình trên địa bàn thành phố để chủ động ngăn ngừa nguy cơ phát sinh cháy nổ.