Dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, mệnh giá thấp và tiền mới tăng cao. Rất nhiều người dân dễ dàng rơi vào “bẫy” đổi tiền nếu không nâng cao cảnh giác.
Nhộn nhịp trên mạng
Trên các hội nhóm mạng xã hội, hàng loạt các group đổi tiền lẻ, tiền mới hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên đông đảo. Không chỉ liên tục đăng tải bài viết giới thiệu dịch vụ đổi tiền, các bình luận liên quan cũng nhộn nhịp không kém.
Bên cạnh những lời mời chào hết sức hấp dẫn như phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, các đối tượng còn sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng.
Để cạnh tranh, mức phí dịch vụ cho việc đổi tiền cũng dao động linh hoạt tuỳ vào từng thời điểm. Theo đó, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3-6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn, từ 10-14%. Càng đổi với số lượng lớn, mức phí dịch vụ này càng được chiết khấu “phải chăng”. Nhìn chung, mức phí chênh lệch cho dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới rất hỗn loạn và bát nháo.
Đáng nói, hành vi đổi tiền đã được cảnh báo là trái pháp luật với những quy định cụ thể. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, năm nào tình trạng này cũng nở rộ vào dịp cuối năm, công khai trên các trang xã hội. Thậm chí, các đối tượng còn sẵn sàng chạy quảng cáo trên Google, Facebook,… để tăng lượt tiếp cận.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Tiềm ẩn đầy rủi ro
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, việc đổi tiền hiện nay thực hiện theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN (Quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước. Theo Thông tư, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước.
“Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt”, luật sư nhấn mạnh.
Việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40.000.000 đồng đến 80.000.0000 đồng.
Thực tế, các hành vi đổi tiền không đúng quy định đã có chế tài xử lý từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn của người dân, các hành vi này vẫn diễn ra và chưa thể ngăn chặn được.
“Việc đổi tiền lẻ trên mạng như vậy mang tính rủi ro rất cao. Nhiều đối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân thực hiện việc đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.
Bên cạnh đó, những đối tượng đổi tiền chỉ là quen biết trên mạng, thậm chí không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Khi đổi trúng tiền giả thì người dân còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có” luật sư nói.
Luật sư Hùng cũng khuyến cáo, nhu cầu là có thực, tuy nhiên chúng ta cũng cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại. Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng. Chính vì vậy, để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân dịp Tết khi có nhu cầu nên đến các ngân hàng để thực hiện đổi tiền.