Xã hội

Cảnh giác trước những tai nạn ở trẻ nhỏ trong dịp hè

Thanh Giang 06/07/2024 07:58

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần nâng cao cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè. Bởi vì, trong thời gian nghỉ hè trẻ nhỏ có nhiều thời gian vui chơi, song nguy hiểm cũng luôn rình rập.

Tai nạn từ hoạt động hàng ngày

Mới đây nam bệnh nhi K.S.Y.P. sinh năm 2011, tại tỉnh Đắk Lắk được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) vì bị điện giật.

Chị K.R. mẹ bệnh nhi K.S.Y.P. cho biết, em và bạn cùng xóm chơi thả diều, diều mắc vào mái nhà. P. đã trèo lên mái nhà lấy và không may bị điện giật ở bàn tay trái.

Sau khi phát hiện, P. được gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện địa phương rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

bong-o-tre-em.jpg
Trẻ bị tai nạn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Chăm con gái L.H.D. (sinh năm 2016) trong bệnh viện vì bỏng do té vào nồi nước sôi, anh L.Đ.D. ngụ tỉnh Bình Dương nhắn nhủ các bậc phụ huynh nên quan tâm sát sao con nhỏ, nhất là trong lúc các con đang được nghỉ hè.

Theo đó khoảng 19h tối ngày 31/5, D. cùng các bạn đạp xe gần nhà. Do không làm chủ tay lái D. té vào nồi nước sôi của nhà hàng xóm. Tai nạn hy hữu khiến em bị bỏng nặng từ vai đến mông.

Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian tới, BS.CK2 Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu - bệnh viện Nhi Đồng 2 thông tin, hè là thời điểm trẻ thường gặp các tai nạn như: bỏng (điện, xăng, hóa chất,..), đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông, các sự cố té ngã,...

Các trường hợp bị bỏng do nước sôi, do cháy nổ nhập viện ghi nhận tăng vào dịp nghỉ hè. Thương tích của bỏng không chỉ làm tổn thương da, nhiễm trùng, thời gian điều trị kéo dài thậm chí tử vong.

Ngoài ra tai nạn còn đến từ các thiết bị điện, do thú cưng, hít phải các chất độc hại, ngộ độc, ong đốt, rắn cắn, té ngã,… cũng cần đặc biệt lưu ý.

Nâng cao cảnh giác đảm bảo an toàn cho trẻ

Liên quan đến tai nạn ở trẻ nhỏ, nhất là tai nạn bỏng, BS.CK2 Trần Bích Thủy - Phó trưởng khoa Phỏng - Tạo hình chia sẻ, bỏng trẻ em mức độ từ trung bình đến nặng không chỉ gây tàn tật suốt đời mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình, áp đặt gánh nặng kinh tế gia đình xã hội.

“Bỏng trẻ em mức độ trung bình đến nặng có thể xảy ra các biến chứng sốc bỏng, nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, suy mòn bỏng, hội chứng cai và tử vong. Biến chứng bỏng trẻ em tăng khi diện tích bị bỏng tăng, độ sâu bỏng tăng”, BS Thủy nhấn mạnh.

Các nghiên cứu về bỏng đến nay cho thấy bỏng có tỷ lệ trẻ nam cao hơn nữ, tỷ lệ tử vong từ 1 - 12%, trong đó cao nhất ở các nước có thu nhập thấp. Nguyên nhân bỏng chủ yếu là nước nóng và lửa, bỏng điện tương đối ít hơn.

duoi-nuoc-o-tre.jpg
Tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ thường xuyên xảy ra trong dịp hè.

Về tai nạn đuối nước, BS.CK2 Vũ Hiệp Phát, các trường hợp tai nạn do đuối nước, thường ở những nơi nhiều ao, hồ, sông, suối và cả trong hồ bơi. Tùy thuộc vào thời gian đuối nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng của trẻ cũng như để lại những di chứng não nặng nề về sau.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè. Hãy thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ bởi nguy hiểm luôn “rình rập” bất kỳ lúc nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác trước những tai nạn ở trẻ nhỏ trong dịp hè